Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ - yêu cầu cấp thiết

Bài, ảnh: Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội tiếp tục giám sát việc quản lý, hoạt động chợ tại thị xã Sơn Tây.

Sơn Tây hiện có 13 chợ, trong đó 10 chợ đã phân hạng: Chợ Nghệ - hạng 1, chợ nông sản thực phẩm thị xã Sơn Tây - hạng 2. Với 3 chợ chưa được phân hạng, lãnh đạo thị xã cho biết, ngoài chợ đầu mối nông sản Xuân Sơn đang trong thời gian đầu tư xây dựng, các chợ còn lại đều nằm trong dự kiến kêu gọi đầu tư phát triển giai đoạn 2017 - 2020. Một trong những tồn tại là trên địa bàn vẫn còn một số chợ cóc, chợ tạm, dù lãnh đạo thị xã khẳng định là không ảnh hưởng đến an ninh trật tự và ATGT như chợ rau đêm, chợ Sơn Lộc…

Chợ nông sản thực phẩm tại thị xã Sơn Tây.

Qua giám sát cho thấy, Sơn Tây cũng gặp khó khăn trong huy động vốn xã hội hóa của các DN, cá nhân đầu tư xây dựng mới, cải tạo chợ. Như chợ Sơn Đông (xã Sơn Đông) hiện gặp khó khăn về nguồn vốn nên thời gian đầu tư xây dựng kéo dài… Chợ Nghệ  vẫn chưa phát huy hiệu suất, vì đầu tư lớn nhưng vẫn còn nhiều diện tích bỏ trống, do đó, Đoàn giám sát đề nghị địa phương cần đánh giá chính xác hiệu quả đầu tư. Việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cũng còn chậm. Ngoài Ban quản lý chợ Nghệ quản lý, khai thác kinh doanh một số chợ (các chợ quanh khu vực chợ Nghệ), phần lớn còn lại do xã, phường thành lập tổ quản lý hoặc hợp đồng cá nhân thực hiện. Thị xã mới chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác tại chợ Trung Sơn Trầm (phường Trung Sơn Trầm) và chợ Ao Đông (phường Trung Hưng). Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý tại chợ Trung Sơn Trầm đã gặp nhiều khó khăn do một số hộ kinh doanh không nhất trí, khiếu kiện, TP phải giao Thanh tra TP thực hiện thanh tra toàn bộ và đã kết luận quá trình chuyển đổi là cần thiết, đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, hiện vẫn tiếp tục gặp nhiều vướng mắc do một số hộ kinh doanh chưa đồng thuận; không ít hộ bỏ chợ sang kinh doanh tại khu đất giáp đó (nằm trong quy hoạch mở rộng chợ) và ngoài đường. Hiện, thị xã đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi cho các chợ tiếp theo, nhưng để đảm bảo thực hiện được, đề nghị TP cho phép giãn tiến độ.
Trong cuộc giám sát, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đánh giá cao việc Sơn Tây đã có kế hoạch, lộ trình và đã chuyển đổi mô hình quản lý chợ, nhưng đề nghị sớm rút ra những giải pháp phù hợp cho kế hoạch tiếp theo. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai cho rằng:  Ngoài việc công khai  kế hoạch, lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ, thị xã Sơn Tây cũng cần rà soát quy hoạch chợ, đề xuất kiến nghị cụ thể những nội dung cần sửa đổi. Sớm hoàn thành kế hoạch phê duyệt phương án giá chợ để làm cơ sở kinh doanh và nên hoàn thành trong quý I/2017. Quan tâm công tác phòng cháy chữa cháy, ký cam kết vệ sinh ATTP với toàn thể các hộ kinh doanh ở các chợ. Cùng với đó, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm.