Còn nhiều hạn chế
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Khái quát kết quả chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) Nguyễn Phú Tiến cho biết, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thời gian qua đã đạt được những kết nhất định. Đến nay, trong nội bộ hầu hết cơ quan Nhà nước có hệ thống quản lý văn bản điều hành, thư điện tử riêng, tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi đạt 95%. Để phục vụ người dân, DN, tất cả bộ, ngành, địa phương đều có cổng dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện là trên 98%.
Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ Trung ương đến địa phương. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký. 63/63 tỉnh, thành đã triển khai trên 65.000 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 300.000 thành viên tham gia.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nhiều hệ thống, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước được triển khai, nhưng rời rạc, thiếu kết nối; sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, còn trùng lặp. Nhiều đơn vị chuyển đổi số kiểu nửa vời, hình thức. Người dân, DN vẫn phải cung cấp lặp lại thông tin cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính. Cơ quan Nhà nước vẫn yêu cầu người dân cung cấp những giấy tờ do chính các cơ quan Nhà nước cấp trước đó…
Theo nghiên cứu của IPS, 80% các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh chỉ giữ chân người dân 2,79 phút, trong đó 62,42% rời đi ngay sau khi vừa truy cập. Con số này cho thấy kênh tương tác chính quyền - người dân chưa thực sự hiệu quả.
Chia sẻ câu chuyện về thủ tục xin giấy xác nhận con thương binh qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, anh Vũ Ngọc Bảo thất vọng nói: “Tưởng rằng sẽ chỉ cần ngồi ở nhà làm vài thao tác trên điện thoại là sẽ xin được giấy xác nhận. Nhưng cổng thông tin này chỉ có thể tiếp nhận đơn từ của người đề nghị, nhưng chưa chấp nhận chữ ký điện tử, nên tôi phải in bản cứng, ký và mang trực tiếp đến văn phòng UBND xã để nộp. Cực chẳng đã, tôi in đơn ra, ký rồi chuyển phát nhanh nhờ người thân đi nộp hộ. Sau khi có giấy xác nhận, người thân lại gửi chuyển phát nhanh cho tôi”.
Theo phản ánh của một số cán bộ cấp xã, phường, từ khi áp dụng dịch vụ cấp độ 4 nửa vời này, khối lượng công việc của cán bộ địa phương thêm việc. Bởi, nếu trước người dân đến trực tiếp trụ sở ủy ban làm thủ tục, thì bây giờ họ được yêu cầu vào cổng dịch vụ trực tuyến kê khai thông tin, in đơn, ký rồi mang lên nộp. Nhân viên ủy ban tiếp nhận phê duyệt, ký, đóng dấu, rồi cập nhật lại thông tin trên cổng.
Cũng từ trải nghiệm của người dân, TS Bùi Hải Thiêm - Trưởng phòng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam chia sẻ cảm giác “bơi giữa bể thông tin” khi trải nghiệm các dịch vụ công trực tuyến, “bất lực” khi thiếu sự hướng dẫn, trợ giúp so với trải nghiệm trực tiếp. Theo ông Thiêm, cho dù là lên môi trường số hay môi trường tự động không dừng, sự có mặt của đội nhóm hỗ trợ vẫn luôn là cần thiết.
Cần lấy người dân làm trung tâm chuyển đổi
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước, theo Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến, trước hết cần thay đổi nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Tiếp đến cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các ứng dụng – cơ sở dữ liệu và dịch vụ số, bảo đảm an ninh mạng. Mọi sự chuyển đổi phải lấy người dân làm trung tâm.
Xây dựng môi trường pháp lý cần được quan tâm, các văn bản luật liên quan tới thanh toán điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến cần được minh bạch nhằm bảo đảm môi trường giao dịch tin cậy và an toàn cho thanh toán phí dịch vụ. Đồng thời, khâu bảo mật trong đường truyền, dữ liệu cần được chú ý nhằm bảo vệ người tham gia giao dịch trước các rủi ro tài chính.
Khẳng định quan điểm lấy người dân làm trung tâm chuyển đổi, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, các cơ quan Nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân. Người dân, DN sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi được tiếp cận dịch vụ dễ dàng, khi có những kỹ năng cơ bản, thiết bị kết nối internet, hay động lực sử dụng.
Trong thời gian tới, cơ quan Nhà nước cần thực hiện các nội dung như: Rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 các thủ tục hành chính đủ điều kiện, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện những chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân dễ dàng truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước để giảm các giấy tờ, thời gian. Người dân chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân để người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho chính phủ điện tử trong quá trình xây dựng chính phủ số.
Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong việc phối hợp quản lý giữa Nhà nước và địa phương trong phát triển ứng dụng công nghệ số, ông Alexis Boudard - Giám đốc Chương trình phát triển Chính phủ điện tử cấp địa phương, Cục Kỹ thuật số và Hệ thống thông tin Nhà nước, cơ quan liên bộ (DINSIC) cho rằng: Có 3 thách thức trong chuyển đổi công nghệ số ở địa phương gồm quy hoạch mạng lưới địa phương (xây dựng mạng lưới và hạ tầng); bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số và phát triển nền hành chính công nghệ số.
Về số hóa hoạt động và dịch vụ công địa phương, ông Alexis Boudard cho biết, Nhà nước cung cấp công cụ số và lưu chuyển dữ liệu theo các bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn, nguyên tắc chung; công cụ chung và dữ liệu cần lưu chuyển. Tóm lại giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, Trung ương với địa phương luôn luôn có sự trao đổi lẫn nhau.