Chuyên gia hiến kế bình ổn thị trường phân bón trong nước

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách thuế đối với phân bón cần được thay đổi nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung, giá phân bón trên thế giới tăng cao.

Cần áp mức thuế giá trị gia tăng cho phân bón

Một trong những yếu tố khiến giá thành phân bón tăng cao trong thời gian gần đây, chính là việc các đơn vị sản xuất phân bón không được khấu trừ chi phí đầu vào theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 (Luật số 71).

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh minh họa.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71, theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt, các DN sản xuất kinh doanh phân bón trong nước cần tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm tối đa chi phí, từ đó giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa cùng loại.

Khi Luật số 71 sửa đổi, có hiệu lực thi hành thì Bộ Công Thương và các bộ có liên quan, UBND tỉnh, TP cần tăng cường quản lý giá phân bón không để giá phân bón tăng, góp phần chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước, không phụ thuộc nguồn nhập khẩu, khắc phục được việc giá cả biến động gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và người nông dân.

“Bằng việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón, thông qua áp dụng mức thuế giá trị gia tăng sẽ giúp DN trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. Điều này giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác” - ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, về lâu dài, để đảm bảo cho ngành phân bón phát triển bền vững, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ, Quốc hội nên tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật 71, đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng.

Tăng nguồn cung, giảm giá thành

Đưa ra giải pháp vừa góp phần giảm giá phân bón, vừa đảm bảo sản xuất có lãi cho các DN, TS Phùng Hà cho rằng, trước hết cần tăng cường nguồn cung, giảm giá thành. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước.

Do đó, các DN cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước; đồng thời cần tập trung ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, giảm thủ tục hành chính cũng góp phần giảm giá thành. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường, tăng cường xử phạt để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón rởm.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy hơn nữa việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Đồng thời, phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt...) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đang phối hợp các ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, chống đầu cơ tăng giá; áp dụng các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, lưu thông để góp phần bình ổn thị trường trong nước, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước với mức giá phù hợp.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam đã nhiều lần khuyến cáo các DN chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ Nga và Belarus, đặc biệt là phân Kali.

 

Tỷ trọng giá trị các mặt hàng phân bón chủ yếu tập trung trong nước, do đó, thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa lớn đối với đơn vị trong ngành. Ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành đang gánh trung bình 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh.

TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần