Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Quan trọng vẫn là cách làm

Nguyên Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ xấu của các ngân hàng thương mại thì họ phải có trách nhiệm đầu tiên, nếu các bên không giải quyết được mới đến sự can thiệp của Nhà nước.

 
Để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, ngày 10/8/2016, Bộ KH&ĐT công bố dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có đề xuất về việc sử dụng nguồn lực ngân sách để xử lý một phần nợ xấu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Xử lý nợ xấu bằng ngân sách cũng là một biện pháp được thế giới áp dụng, nhưng cần có cơ chế xác định giá thị trường, không mua cao, bán thấp gây mất vốn Nhà nước. Các nước cũng đã sử dụng tiền ngân sách từ khoảng 7 - 10% GDP để giải quyết nhanh nợ xấu. Tuy nhiên, trường hợp của Việt Nam, phải xem lấy tiền ngân sách chỗ nào để giải quyết.
Có ý kiến cho rằng, tính chất nợ xấu của Việt Nam chủ yếu là nợ của DN nhà nước. Do chủ nợ và con nợ đều là Nhà nước nên việc lấy tiền ngân sách để xóa nợ là rất dễ?
- Sẽ được gì khi dùng ngân sách để xóa nợ xấu cho DN Nhà nước? Câu chuyện nằm ở chỗ, trước đây, chúng ta không coi nợ này là nợ quốc gia. Nay dùng ngân sách trả nợ đồng nghĩa với việc coi đây là nợ công, nợ quốc gia. Quan điểm tiền hậu bất nhất này gây bức xúc dư luận. Hơn nữa, việc bơm tiền cho ngân hàng để xử lý nợ xấu chẳng thể hứa hẹn ngân hàng đó không tiếp tục gây thêm nợ xấu.
Thế còn giải pháp theo hình thức mua ngân hàng với giá 0 đồng thì sao, thưa ông?
- Không thể phủ nhận việc tiếp quản ngân hàng 0 đồng đã xác lập cho thị trường một niềm tin rằng, cơ quan quản lý cuối cùng vẫn có biện pháp quyết định để xử lý các ngân hàng yếu kém, đồng thời giữ vững cam kết không để cho ngân hàng nào đổ vỡ, gây ảnh hưởng trên toàn hệ thống. Có thể hiểu đơn giản, việc mua lại các ngân hàng 0 đồng là không mất tiền, nhưng trên thực tế, với vai trò là người cho vay cuối cùng trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải tốn chi phí cho những ngân hàng 0 đồng này, động thái mua lại các ngân hàng 0 đồng có thể tạo nên tâm lý ỷ lại trong khối ngân hàng tư nhân. Và điều này có thể tạo nên những gánh nặng mới cho Nhà nước.
Nhiều bài học quốc tế cho thấy việc xử lý nợ xấu cần phải dứt khoát, bởi thời gian kéo dài cũng đồng nghĩa với chi phí tốn hao. Theo ông, giải pháp nào để xử lý nợ xấu hiệu quả?
- Xử lý nợ xấu ở Việt Nam vài năm qua rối như mớ bòng bong do gặp nhiều khó khăn về cơ chế mua và bán. Hiện, các quy định về xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản trong các luật hiện nay vẫn chưa gỡ được khúc mắc là dù ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường nhưng tài sản thế chấp vẫn do ngân hàng quản lý. Hình thức này giống như VAMC mua nợ theo dạng tín chấp nên rất khó xử lý dứt điểm. Phải dùng tiền thật để xử lý nợ xấu, phải mua đứt bán đoạn, chuyển từ bán sang mua và người mua có quyền sử dụng tài sản bảo đảm.
Để tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và cũng để giải quyết dứt điểm nợ xấu, nên tìm nguyên nhân gây ra nợ xấu và đánh giá khả năng phục hồi năng lực trả nợ của DN, sau đó phân chúng ra thành nhóm với các giải pháp xử lý khác nhau. Với các DN Nhà nước nào có khả năng phục hồi năng lực trả nợ, ngân hàng có thể gia hạn nợ, tái cấu trúc khoản nợ, hoặc bán cho ngân hàng có khả năng xử lý nợ tốt hơn làm cho các khoản nợ có thể hoàn trả; Giải pháp thứ hai là thanh lý, có nghĩa là sẽ phát mãi tài sản, thậm chí phá sản DN vay để thu nợ. Nếu những DN Nhà nước nào xét thấy có thể thu hẹp hoạt động hoặc không cần duy trì thì nên tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện biện pháp này mà thu nợ, bán những tài sản đảm bảo để thu hồi số tiền đã bỏ ra... Với cách làm này sẽ tiết kiệm tối đa cho ngân sách.
Xin cảm ơn ông!