Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có không ít lo ngại “phí chồng phí”, giá của hàng hóa sẽ tăng cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bị giảm đi vì đội quá nhiều loại phí...
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn phó giáo sư-tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính.
- Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ Tài chính đang đề nghị một số bộ, ngành xây dựng Đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải?
Phó giáo sư-tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh: Các nước phát triển và đang phát triển đã sử dụng đánh thuế khí thải đối với các phương tiện có xả thải khí thải; trong đó, đánh thuế, phí khí thải đối với các phương tiện như ôtô, xe máy, cũng như là phí, hay thuế khí thải với các nhà máy sử dụng các nguyên, nhiên vật liệu gây ra khí thải. Trong khi đó, Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới nên cần áp dụng các loại thuế tương tự như các nước.
Như vậy, rõ ràng việc nghiên cứu để áp dụng loại phí này là rất cần thiết. Vấn đề quan trọng là thời điểm đưa vào áp dụng và mức thuế áp dụng cần phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Hơn nữa, tại các quốc gia trên thế giới có rất nhiều loại thuế, phí đánh vào sản phẩm xăng dầu, hoặc các nguyên, nhiên vật liệu ảnh hưởng tới môi trường với mức cao hơn Việt Nam rất nhiều.
Theo bảng xếp hạng của trang Global Petrol Prices vào ngày 10/9/2018, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí 49 từ thấp đến cao trong tổng số 165 quốc gia. Nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Na Uy... có giá bán lẻ xăng cao hơn so với Việt Nam mặc dù có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại lớn hơn Việt Nam.
Cụ thể, giá bán lẻ xăng của Việt Nam (vào ngày 10/9/2018) đang ở mức thấp so với các nước, lãnh thổ có chung đường biên giới trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Á. Theo đó, giá bán lẻ xăng của Việt Nam thấp hơn Lào 5.318 đồng/lít, Campuchia là 1.773 đồng/lít, Trung Quốc 1.499 đồng/lít, Thái Lan 1.145 đồng/lít, Singapore 18.219 đồng/lít, Philippines 4.177 đồng/lít, Hong Kong (Trung Quốc) là 30.383 đồng/lít.
Với dầu diesel, theo số liệu do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cung cấp, tại thời điểm ngày 10/9/2018, giá bán lẻ dầu diezel (DO) ở Việt Nam thấp hơn Lào 6.092 đồng/lít, Campuchia 4.414 đồng/lít, Trung Quốc 3.927 đồng/lít, Singapore 12.401 đồng/lít, Philippines 3.274 đồng/lít, Thái Lan 6.459 đồng/lít và thấp hơn Hong Kong (Trung Quốc) là 24.656 đồng/lít.
Không chỉ vậy, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam (vào ngày 10/9/2018) khoảng 35,6%, đang ở mức thấp so với nhiều nước. Tỷ lệ thuế trên giá xăng tại Hàn Quốc khoảng 63,18%, Campuchia (49%), Lào (56,5%), Philippines (49,5%), Trung Quốc (52%), Singapore (67%), Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 76%.
Với phương án tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng dưới 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước nêu trên.
Như vậy, cơ sở để chúng ta xem xét thuế môi trường đối với xăng dầu vẫn còn một khoảng tương đối rộng và việc xem xét áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với khí thải là hoàn toàn hợp lý.
Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rộng với thế giới. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2019. Theo cam kết, khi gia nhập CPTPP nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ giảm thuế theo lộ trình, ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nên giảm thấp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tích lũy để tái đầu tư, từ đó tạo thêm việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc giảm thuế xuất, nhập khẩu và mong muốn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, vì thế cần có nguồn thu khác để bù đắp từ những loại thuế khác như: thuế tài sản, thuế môi trường...
- Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải liệu có gây ra thuế chồng thuế, phí chồng phí không khi chúng ta đã đánh thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng và sẽ nâng mức thuế đối với mặt hàng này lên 4.000 đồng/lít từ ngày 1/1/2019, cao hơn mức hiện nay 1.000 đồng, thưa ông?
Phó giáo sư-tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh: Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu bản chất khác hẳn với phí khí thải. Việc thu phí khí thải sẽ có tác động giúp cho người dân, doanh nghiệp đại hóa máy móc, thiết bị để mức phí môi trường phải đóng thấp đi, từ đó giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường.
Đơn cử, khi cùng tham gia giao thông bằng xe máy thì tiền thuế môi trường phải nộp cho mỗi lít xăng là như nhau, nhưng người sử dụng loại xe cũ xả nhiều khí thải sẽ phải đóng phí khí thải nhiều hơn những người sử dụng xe mới xả ít khí thải độc hại. Điều này đảm bảo được tính công bằng trong việc thu thuế, phí môi trường.
Nhiều ý kiến cho rằng người giàu sẽ có điều kiện mua được những chiếc xe tốt hơn người nghèo, do vậy người giàu sẽ sử dụng phương tiện xả thải ít hơn nên sẽ phải đóng thuế ít hơn là không công bằng. Nhưng theo tôi việc này hoàn toàn hợp lý, rõ ràng người sử dụng phương tiện, thiết bị xả khí thải nhiều sẽ đóng thuế nhiều hơn, không thể đóng thuế, phí môi trường theo mức thu nhập.
Việc thu phí khí thải cũng sẽ có những ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Đối với doanh nghiệp, phí khí thải sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhưng ảnh hưởng nhiều hay ít là tùy thuộc vào mức độ xả thải.
- Vậy đâu là giải pháp để nhận được sự đồng tình của người dân, doanh nghiệp nếu thực hiện thu phí khí thải, thưa ông?
Phó giáo sư-tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh: Bộ Tài chính mới chỉ xin ý kiến các bộ, ngành xây dựng Đề án, vì thế còn rất nhiều vấn đề xem xét trước khi ban hành.
Theo đó, phải đưa ra được mức thuế, phí cụ thể đối với từng trường hợp xả thải. Việc này có thể thực hiện được thông qua thiết bị đo lường mức xả thải của phương tiện, máy móc. Bên cạnh đó, cũng nên tính đến chi phí hành thu, phương thức thu, đối tượng thu…
Để thu được thuế, phí một cách hợp lý cần có thời gian cho người dân chuẩn bị và cơ quan quản lý đưa ra được mức thu phù hợp với thực tế. Quan trọng nhất là việc thu phí khí thải phải đảm bảo hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, từ đó mới có thể ra được quyết định và áp dụng vào thực tế cuộc sống.
- Trân trọng cảm ơn ông!