Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện nợ thuế của các doanh nghiệp

TẤN LỘC
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, hết một chu kỳ kinh doanh, người nộp thuế có trách nhiệm báo cáo, tự khai, tự nộp thuế trong kỳ. Nghĩa vụ này chưa được thực hiện trong khoảng thời gian luật định sẽ thành nợ thuế…

Báo cáo của Tổng cục thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế đến đầu tháng 9/2019 là 82.770 tỉ đồng. Trong đó, 43.659 tỉ đồng, chiếm 52,7% tiền nợ thuế có khả năng thu ngân sách.
Tại TP Hồ Chí Minh, bằng biện pháp quản lý nợ và biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong 6 tháng đần năm 2019, Cơ quan thuế đã thu ngân sách 4.415 tỷ đồng, đạt 48,55% số nợ 2018 chuyển sang.
Tuy nhiên, tổng số tiền nợ thuế 6 tháng đầu năm có khả năng thu ngân sách là 13.545 tỷ đồng, tăng 52,09% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, các khoản nợ thuế, phí là 6.356 tỷ đồng, tăng 60,67%; các khoản nợ liên quan đến đất là 3.401 tỷ đồng, tăng 155,14%; tiền phạt, tiền chậm nộp là 3.769 tỷ đồng, tăng 4,84%.
Đó là chưa kể, danh sách công khai thông tin lần 7/2019 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh, có 1.144 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn với Tổng số tiền thuế nợ trên sổ theo dõi nợ thuế (đến thời điểm 30/6/2019) là 2.171.530.031.140 đồng.
 Tiền phạt chậm nộp thuế tính ra chưa đến 11%/năm, trong lúc lãi vay ngân hàng thương mại luôn cao hơn tỷ lệ này. Và đó chính là một khe hở chính sách để các doanh nghiệp “tranh thủ” nợ thuế? 
Có thể nêu ra đây một vài tên tuổi có số nợ lớn như là, Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân (MST: 0313935259) nợ 153.106.421.373 đồng; Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội (MST: 0302403742) nợ 105.475.192.251 đồng; Công ty cổ phần Thương mại – Tư vấn – Đầu tư – Xây dựng Bách Khoa Việt (MST: 0305268530) nợ 99.126.630.826 đồng…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chỉ sau 6 tháng số nợ thuế đã tăng thêm nhiều tỷ đồng như là Công ty Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, so với thời điểm cuối năm 2018, nợ thuế đã tăng thêm 309 tỷ thành 668 tỷ đồng; Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh nợ nợ tiền thuê đất đã tăng thêm 140 tỷ thành 180 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo nợ tiền thuê đất đã tăng thêm 125 tỷ thành 133 tỷ đồng… Điều này cho thấy tốc độ thu hồi nợ chậm hơn tốc độ phát sinh nợ.
Điều 92 Luật Quản lý thuế  số 78/2006 nói “Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá chín mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định. Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp,  tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế khi đã hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.”… thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Điều 93 của Luật Quản lý thuế số 78/2006 về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm “… Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề… Các biện pháp cưỡng chế này chấm dứt hiệu lực, kể từ khi tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước”.
Các quy phạm của Luật Quản lý thuế chế tài rõ vậy, nhưng chưa biết: Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động, để rồi 6 tháng sau số tiền nợ thuế cứ tiếp tục gia tăng?
Và, ai dám khẳng định những đồng tiền nợ thuế này, đến một ngày nào đó được thu đủ vào ngân sách?
Hay, Nợ cứ tăng dần đến một ngày nào đó, doanh nghiệp lại được xét vào diện… xóa nợ thuế?
Theo Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính, thì tiền phạt được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Có ý kiến cho rằng, nếu như tỷ lệ này năm 2014 là 0,07%; năm 2015 là 0,05%, thì từ 2016 giảm còn 0,03%, đó là tư duy “Chính phủ  kiến tạo” nhằm giảm áp lực gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ngược lại cũng có ý kiến đáng quan tâm là, với tỷ lệ chịu phạt 0,03%/ngày, tính ra chưa đến 11%/năm, trong lúc lãi vay ngân hàng thương mại luôn cao hơn tỷ lệ này. Và đó chính là một khe hở chính sách để các doanh nghiệp “tranh thủ” nợ thuế? Thay vì vay vốn ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, mất thời gian làm thủ tục, rồi chờ giải ngân…, doanh nghiệp chiếm dụng ngay tiền thuế lại thêm lợi vài phần trăm lãi suất. Với một doanh nghiệp nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, phần lợi này là không phải nhỏ.
Nhìn từ mối lợi lớn như vậy, dư luận lại đặt câu hỏi: Nhiều doanh nghiệp liệu có được ưu ái nợ thuế?

Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2019, cơ quan này  đã tiến hành kiểm tra tại cơ quan thuế 55.316 hồ sơ kê khai thuế, phát hiện nhiều sai phạm nên đã yêu cầu số thuế kê khai bổ sung 29,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cơ quan thuế cũng  kiểm tra 13.666 lượt tại doanh nghiệp, đã truy thu và phạt 2.019 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế GTGT 273,7 tỷ đồng; giảm lỗ 7.656,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện thanh tra 365 hồ sơ, đã truy thu và phạt 525,6 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế GTGT 58 tỷ đồng; giảm lỗ 2.085 tỷ đồng.