Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện tình vượt 2 thế kỷ với lời hẹn “Đi Điện Biên Phủ về ta cưới”

Kim Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức ra mắt sách “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến.

“Tôi muốn kể lại câu chuyện của ba mẹ -một chuyện tình vượt qua hai thế kỷ, tràn đầy sự trìu mến thương yêu và gắn liền với các mốc lịch sử lớn lao của dân tộc” là lời mở đầu của tác giả Hoàng Nam Tiến trong buổi ra mắt sách chiều ngày 13/4.

Tác giả Hoàng Nam Tiến (giữa) chia sẻ về chuyện tình của ba mẹ mình.
Tác giả Hoàng Nam Tiến (giữa) chia sẻ về chuyện tình của ba mẹ mình.

Tại buổi ra mắt sách, tác giả Hoàng Nam Tiến và BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, đã ôn lại câu chuyện cơ duyên ra mắt cuốn sách như kỷ niệm thật vui và ý nghĩa chia sẻ cùng bạn đọc. Theo lời kể của tác giả Nam Tiến, năm 2003 sau khi cha của ông - Thiếu tướng Hoàng Đan qua đời, bà An Vinh - mẹ của ông đã yêu cầu ông sắp xếp những bức thư và nhật ký của hai ông bà mang đi đốt theo ông về thế giới bên kia. Trái với lời mẹ, tác giả Hoàng Nam Tiến đã giữ lại những bức thư mà ba mẹ gửi cho nhau suốt 50 năm, mỗi lần đọc thư lại hiểu hơn về tình cảm mà ba mẹ giành cho nhau, cùng những kí ức về thời chiến tranh khốc liệt. Nhờ cảm xúc đó tác giả Nam Tiến đã quyết định viết nên cuốn sách này.

 Những lá thư tay của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ vẫn được gia đình trân trọng giữ gìn nhiều năm qua.
 Những lá thư tay của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ vẫn được gia đình trân trọng giữ gìn nhiều năm qua.

Cuốn sách “Thư cho em” kể lại cuộc tình kéo dài 50 năm của Thiếu tướng Hoàng Đan- một trong những chiến tướng nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam và vợ là bà An Vinh- nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu. Cuốn sách được dựng lên thông qua lời kể của ông Hoàng Nam Tiến, con trai út của hai người. Cuốn sách gồm 4 phần: Đi Điện Biên Phủ về ta cưới!; Hương gây mùi nhớ; Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ; Về đây bên nhau, tương ứng với các mốc thời gian từ ngày vợ chồng thiếu tướng nên duyên, cho tới những năm tháng phải xa cách vì chiến tranh và cuối cùng là cùng nhau hạnh phúc khi về già.

Tác giả Hoàng Nam Tiến chia sẻ cảm xúc của mình sau khi đọc những bức thư mà ba mẹ gửi cho nhau.
Tác giả Hoàng Nam Tiến chia sẻ cảm xúc của mình sau khi đọc những bức thư mà ba mẹ gửi cho nhau.

Trong buổi giao lưu, tác giả Hoàng Nam Tiến chia sẻ cảm xúc của mình sau khi đọc những bức thư mà ba mẹ gửi cho nhau. Chính bản thân ông đã tìm thấy rất nhiều bài học từ tình yêu của ba mẹ. Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó: “Bởi vì đó là tình yêu thật sự, vì vậy nó thể sống cùng thời gian, thử thách. Nó có thể tồn tại ở những thể khác nhau nhưng nó vẫn là tình yêu. Giá mà tôi được đọc thư ba mẹ sớm hơn thì có lẽ tôi đã tránh được rất nhiều sai lầm và nỗi đau trong cuộc sống.

Chuyện tình vượt 2 thế kỷ với lời hẹn “Đi Điện Biên Phủ về ta cưới” - Ảnh 1
Chuyện tình vượt 2 thế kỷ với lời hẹn “Đi Điện Biên Phủ về ta cưới” - Ảnh 2
 
Chuyện tình vượt 2 thế kỷ với lời hẹn “Đi Điện Biên Phủ về ta cưới” - Ảnh 3
Chuyện tình vượt 2 thế kỷ với lời hẹn “Đi Điện Biên Phủ về ta cưới” - Ảnh 4
 

Tôi viết để giữ một kỷ niệm cho gia đình, và với cá nhân mình, tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, tin rằng tình yêu có thật".

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu chia sẻ cảm nhận khi đọc cuốn sách: “Cuốn sách đã nói lên được mối tình lịch sử, giữa một người cán bộ quân sự với người vợ của mình ở hậu phương. Trong bối cảnh thời chiến tranh cách mạng, cuốn sách cũng thể hiện được cái đặc thù đặc trưng của người chiến sĩ, biết bao nhiêu chàng trai xa gia đình, xa người yêu, xa vợ để đi chiến đấu, giữa họ có sự kết nối với nhau là những lá thư từ tiền tuyến gửi về hậu phương và ngược lại. Với người lính đó là niềm vui, là động lực tinh thần cổ vũ họ trong chiến đấu". 

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu chia sẻ cảm nhận khi đọc cuốn sách.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu chia sẻ cảm nhận khi đọc cuốn sách.

Nhắc đến Thiếu tướng Hoàng Đan, ông nghẹn ngào: “Lâu nay hiểu về cụ Hoàng Đan đó là một vị tướng có tài năng, trí dũng song toàn với nhiều chiến công trong chiến đấu, một vị tướng nổi tiếng trong quân đội. Bây giờ đọc thêm cuốn sách này, tôi mới hiểu rằng bên trong tâm hồn của một vị dũng tướng như thế lại có một tâm hồn lãng mạn, có một tình yêu mãnh liệt với vợ và gian đình, một tình yêu đích thực mà ai cũng hằng ngưỡng mộ".

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật nhấn mạnh: "Thư cho em" được viết ra không chỉ để lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình mà còn chia sẻ với độc giả hôm nay về tình yêu cao đẹp của một thời đại anh hùng của dân tộc".

Tác giả Hoàng Nam Tiến chia sẻ cách bà An Vinh - mẹ của ông phấn đấu "phải giỏi bằng chồng" có nhiều ý nghĩa với các bạn trẻ hiện đại. Rằng nếu không cùng nhận thức, tầm nhìn, quan điểm sống và kinh nghiệm, sẽ không thể hiểu và đồng cảm cho nhau. Và hạnh phúc nhất, là trong hành trình học tập của bà An Vinh luôn có chồng ủng hộ.

"Anh thích học và rất ham học nên anh cũng muốn người yêu anh như vậy, cái đó cũng không hại gì. Em tùy anh nhé. Việc học cũng khó nhưng học tập Paven chúng ta sẽ thấy rõ không khó khăn nào không vượt qua được. Paven mù hai mắt mà vẫn học hỏi được, không lẽ chúng ta lại không học được hay sao?". (Thư ông Hoàng Đan gửi vợ An Vinh khi mới cưới, 15/2/1955).

Ông Hoàng Nam Tiến ký tặng sách cho độc giả. 
Ông Hoàng Nam Tiến ký tặng sách cho độc giả. 

Ông Hoàng Nam Tiến, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT. Ông là một chuyên gia công nghệ, cố vấn trong hoạt động khởi nghiệp, nhà giáo và diễn giả nổi tiếng.

Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện với tư cách tác giả. Ông cho biết khi đọc những bức thư, chính bản thân ông đã tìm thấy rất nhiều bài học từ tình yêu của ba mẹ. Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó.