Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển từ thủy lợi phí sang cơ chế giá: Nông dân thêm nặng gánh lo?

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Dự án Luật Thủy lợi do Bộ NN&PTNT chủ trì dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh việc chuyển từ thủy lợi phí sang cơ chế giá dịch vụ thủy lợi.

Bỏ ruộng sẽ nhiều hơn
Nghị định số 154/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi có hiệu lực từ ngày 1/1/2008 quy định miễn thủy lợi phí đối với một số đối tượng. Sau 8 năm triển khai, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguồn lực để trang trải thủy lợi phí hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, chưa phát huy trách nhiệm và sự tham gia của người dân cũng như khu vực tư nhân. Phần lớn người dân hiểu chính sách miễn giảm thủy lợi phí là bỏ thủy lợi phí, trong khi đây là phần hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp và có kinh phí để tu sửa, chống xuống cấp công trình. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã đề xuất bỏ khái niệm “thủy lợi phí” và đưa ra nguyên tắc để xác định giá đối với dịch vụ thủy lợi nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng và quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Trạm bơm Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ hoạt động khó khăn. Ảnh: Quang Thiện

Tuy nhiên, đề xuất này đang tạo ra nhiều băn khoăn, lo ngại cho cả người dân cũng như các HTX, đơn vị sử dụng nước. Ông Vũ Văn Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ là người có nhiều năm giữ chức chủ nhiệm HTX nông nghiệp chia sẻ, việc miễn thủy lợi phí giúp giảm đáng kể chi phí gánh nặng cho người nông dân. Trước khi có chính sách này, nông dân thôn Phương Độ phải đóng 27kg thóc/sào cho HTX. Sau khi thực hiện chính sách giảm xuống chỉ còn 15kg thóc/sào, tức là giảm khoảng 45%. Nếu bây giờ chuyển sang cơ chế giá, khả năng nông dân sẽ phải đóng góp thêm. Dù vậy, ông Mạnh cho rằng, mỗi năm HTX Phương Độ được cấp bù thủy lợi phí khoảng 200 triệu đồng, nhưng khoản kinh phí này được chuyển khá chậm. Do đó, có năm HTX phải ứng tiền quỹ ra để thanh toán trước.
Cùng chung tâm trạng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thái, huyện Ba Vì Phùng Quốc Lượng lo lắng, hiện nay, nông dân đang được hưởng miễn thủy lợi phí mà ở nhiều nơi còn bỏ ruộng. Nếu tính theo cơ chế giá, chi phí sản xuất tăng lên thì tâm lý bỏ ruộng sẽ còn nhiều hơn. Theo ông Lượng, trước đây khi chưa miễn thủy lợi phí, việc thu tiền từ người dùng nước sản xuất đã rất khó khăn, thậm chí có nhiều hộ không trả tiền. “Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, ngay như cấy lúa năng suất cao cũng chỉ được hơn 2 tạ/sào, trừ chi phí lợi nhuận không còn thu được bao nhiêu. Do đó, phải có cơ chế hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho người dân” – ông Lượng chia sẻ.
Phải có lộ trình phù hợp
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, việc chuyển từ thủy lợi phí sang cơ chế giá chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý của người nông dân, vốn đã quen với việc được miễn thủy lợi phí trong 8 năm qua. Hiện nay, mỗi năm toàn TP Hà Nội được cấp bù thủy lợi phí khoảng 400 tỷ đồng, trích từ ngân sách TP. Ông Chu Văn Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội nhận định, đây là phần kinh phí giúp giảm đóng góp đáng kể cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, nếu để cơ chế thủy lợi phí, nhiều DN thủy lợi, HTX không đủ nguồn để duy trì các hoạt động, kể cả tiền cấp bù thủy lợi phí. Khi chuyển sang cơ chế giá thì sẽ cải thiện được tình hình. Dù vậy, ông Tuấn cho rằng, khi chuyển đổi sang cơ chế này, Nhà nước vẫn phải có cơ chế hỗ trợ về giá cho người nông dân, tránh tăng gánh nặng về chi phí sản xuất.
Đánh giá của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện nay, Luật Phí và Lệ phí không quy định danh mục thủy lợi phí nên việc chuyển đổi từ phí sang giá là phù hợp nhằm đồng bộ, thống nhất với các luật đã ban hành. Việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của nhiều người về công tác thủy lợi là phục vụ sang đúng bản chất là tính dịch vụ. Qua đó, giúp người sử dụng nước hiểu rõ bản chất hàng hóa của tài nguyên nước, nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, coi dịch vụ thủy lợi như một dịch vụ đầu vào cho sản xuất. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, cơ chế giá sẽ đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động thủy lợi, gắn trách nhiệm của bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, ông Tỉnh cũng cho rằng khi thực hiện cơ chế giá, Nhà nước sẽ có chính sách trợ giá cho các đối tượng sử dụng dịch vụ thủy lợi với mục tiêu công ích và các đối tượng khó khăn.
Tại phiên khai mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/9 mới đây, nhiều đại biểu cũng thảo luận sôi nổi và cho rằng cần đánh giá tác động của việc thay đổi cơ chế từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi, tính khả thi cũng như đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho người dân. Rõ ràng, với nhiều ý kiến băn khoăn như hiện nay, Bộ NN&PTNT cùng bộ phận soạn thảo dự án Luật Thủy lợi cần tiếp tục lắng nghe phản hồi từ người dân, các HTX, địa phương cũng như các nhà khoa học, nhà quản lý để xây dựng quy định sát với thực tiễn cuộc sống.q
Nếu thực hiện cơ chế giá thì trên 80% hộ nông dân, nhất là nông dân tại khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo sẽ không được hưởng lợi. Dự thảo Luật cũng nhằm khuyến khích xã hội hóa thực hiện các công trình thủy lợi, nhưng cũng nên bổ sung cơ chế chính sách về đất đai, để họ cung cấp dịch vụ thấp hơn thực tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Bản chất cố hữu của ngành thủy lợi hiện nay là vẫn hoạt động theo cơ chế hành chính bao cấp. Vì thế phải chuyển sang cơ chế thị trường, trong đó cốt lõi là huy động được sự tham gia của người dân, DN, biến nước trở thành hàng hóa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng