Chuyện về những người làm hòa giải ở quận Thanh Xuân

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nhiều địa bàn dân cư, những tranh chấp về đất đai, lối đi, những xích mích, va chạm phát sinh hằng ngày giữa các hộ dân, giữa các cặp vợ chồng là điều khó tránh khỏi.

Nhờ sự công tâm và nhiệt tình của các hòa giải viên, những mâu thuẫn to hóa giải thành nhỏ, từ nhỏ thành không có, đã giữ gìn sự bình yên trong các tổ dân phố, khu dân cư ở quận Thanh Xuân.
Những năm gần đây, trên địa bàn Khương Đình có nhiều dự án phải GPMB liên quan đến nhiều hộ dân, cái khó là làm sao để người dân đồng thuận, hợp tác và thấy rõ trách nhiệm, bàn giao đất cho dự án. Bà Nguyễn Thanh Xuân - Tổ trưởng tổ dân phố số 18 phường Khương Đình đã đề xuất cấp ủy bổ sung kiện toàn nhóm nòng cốt gồm 11 thành viên do bà làm Trưởng nhóm, gần gũi, sâu sát, gặp gỡ từng hộ dân có liên quan, tuyên truyền các văn bản, quy định về GPMB.
Một buổi giao ban công tác hòa giải được tổ chức tại UBND phường Phương Liệt 

(quận Thanh Xuân). Ảnh: Thái San

Đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền các hộ dân trong diện GPMB khi xây dựng trường THPT Khương Đình. Qua tuyên truyền, vận động, bà phát hiện gia đình anh Nguyễn Sĩ Hiếu đang gặp khó khăn, bản thân đang mắc trọng bệnh nên báo cáo phường kịp thời hỗ trợ 10 triệu đồng để gia đình có thêm điều kiện chữa bệnh. Bằng nhiều biện pháp vận động, hỗ trợ, giúp đỡ khác nhau, đã góp phần tạo sự đồng thuận của các hộ dân trong GPMB thực hiện dự án.
Trong công tác tuyên truyền vận động GPMB, “nóng” nhất là dự án X1 tưởng chừng bế tắc, nhưng nhờ vào sự tích cực sát sao, bền bỉ của bà cùng với cấp ủy, chi bộ đã vận động thuyết phục “mưa dầm thấm lâu”. Kết quả là những gia đình trước đây từng gay gắt chống đối nhưng đến khi được vận động thông suốt thì tích cực hợp tác, ủng hộ dự án, góp phần ổn đình tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Nhiều năm tham gia công tác hòa giải, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) Nguyễn Văn Đông đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc tại địa bàn. Một vụ việc khiến ông khó quên nhất là tham gia hòa giải cặp vợ chồng đòi ly hôn, do kết hôn 5 năm mà chưa có con.
Bản thân ông Đông trước đây công tác trong quân ngũ nên khi gặp nói chuyện, bằng những tâm sự của người lính già, người chồng đã nghe theo lời thuyết phục của ông Đông và các hòa giải viên; đồng ý rút đơn ly hôn. Từ đó, hai vợ chồng sống hòa thuận với nhau, đến nay họ đã có một cô con gái. Đây cũng chính là niềm vui lớn của các hòa giải viên khi góp phần xây đắp hạnh phúc của các gia đình trong khu dân cư.

Vụ việc tương tự tại phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), một cặp vợ chồng trẻ luôn xảy ra mâu thuẫn do lấy nhau một thời gian mà chưa có con. Các hòa giải viên Tổ hòa giải số 6 phường Phương Liệt đã đến nhà để tìm hiểu ngọn ngành, nguyên nhân thì được cả hai vợ chồng và mẹ chồng chia sẻ do không hợp tính nhau. Hòa giải viên Trần Thị Thái Hòa phân tích, người vợ ở quê nên chưa quen với nếp sinh hoạt của nhà chồng. Gia đình chồng phải hỗ trợ, giúp đỡ và người vợ cũng phải chủ động học hỏi, làm quen với nhịp sống sinh hoạt ở gia đình chồng.
“Nếu không phải do yếu tố kinh tế khiến vợ chồng muốn chia tay thì phải chăng do một trong hai bên có người thứ ba?” Khi bà Hòa đặt nghi vấn như vậy, cả hai vợ chồng đều lắc đầu phủ nhận. Các hòa giải viên khuyên hai vợ chồng dành thời gian suy nghĩ, cân nhắc. Không ngờ chỉ vài hôm sau, người vợ gặp lại, cảm ơn các hòa giải viên đã hàn gắn lại hạnh phúc gia đình mình. Chỉ cần những lời cảm ơn, động viên đã khiến cho các hòa giải viên cảm thấy vui và phấn khởi vì mình đã góp phần hàn gắn hạnh phúc gia đình, đem lại niềm vui cho bà con trong khu dân cư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần