Góp ý vào dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD), ĐB Nguyễn Thanh Thụy (tỉnh Bình Định) cho biết, thẻ CCCD chứa đựng các thông tin cơ bản về gốc tích và nhận dạng, đây là sự thay đổi lớn, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch dân sự... Tuy nhiên, tờ trình và báo cáo chưa làm rõ được sự cần thiết phải thay tên gọi, chưa có đánh giá so sánh lợi ích, chi phí của hai phương án là giữ tên gọi là chứng minh nhân dân (CMND) và đổi thành thẻ CMND để chứng minh cho sự thay đổi này là cần thiết.
“Ban soạn thảo chưa dự liệu hết kinh phí của nhà nước và người dân phải bỏ ra để chuyển từ CNMD sang CCCD. Báo cáo mới tính đến chi phí in mới các biểu mẫu giấy tờ và chỉnh lý các phần mềm đang sử dụng tên gọi CMND, mà chưa tính đến nhiều công việc cần có kinh phí mới triển khai được” - ĐB Thụy nhận định.
Cũng theo các đại biểu, hiện nay có hàng chục, thậm chí hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương có quy định liên quan đến CMND đặc biệt là các văn bản liên quan đến thủ tục hành chính. CMND là tên gọi quá quen thuộc được sử dụng ổn định trong cả nước từ sau năm 1975, trong quá trình sử dụng tên gọi này không gây khó hiểu, nhầm lẫn trong nhân dân. Do vậy, nên được kế thừa trong Luật CCCD để tránh những rắc rối, xáo trộn không cần thiết.
Theo BĐ Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương), với 9 số của CMND hiện nay, chỉ đơn giản là hợp nhất lại ở các địa phương chúng ta sẽ có gần 1 tỷ đầu số. Trong khi đó, theo Tờ trình của Chính phủ hiện chỉ mới cấp hơn 68 triệu CMND. “Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số này chí ít cũng dùng được hơn 400 năm. Vì vậy, QH cần phải nghe một lời giải trình mang tính khoa học, thuyết phục hơn. Về mặt xã hội, sự thay đổi này sẽ tạo ra một sự xáo trộn, lãng phí vô cùng lớn. Bỏ đi 68 triệu CMND cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt, lan tỏa trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc” - ĐB Nhân ý kiến.
Đồng thời, ĐB Nhân cũng kiến nghị: “Chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch và giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho một bộ duy nhất tiến hành cập nhật và đồng bộ dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong hệ thống này mỗi công dân sẽ có một mã số đóng vai trò chỉ mục để xác định các dữ kiện căn cước và dữ kiện hộ tịch của công dân đó trong suốt cuộc đời. Chính hai hệ thống này không thể tách rời, nên tôi tha thiết đều nghị nhập Luật CCCD trở thành một chương của Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo tính thống nhất. Dừng cấp CMND 12 số và tiến hành hợp nhất toàn quốc CMND 9 số hiện nay”.
Theo BĐ Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Luật CCCD là một trong những luật sau khi ban hành sẽ tác động xáo trộn rất lớn đối với đời sống của hàng chục triệu người dân. Về tính khả thi, dự thảo Luật tạo ra sự nghi ngờ cả về tài chính, kỹ thuật, quy trình và công nghệ. Việc đồng bộ và hợp nhất với những giấy tờ chứng minh khác như thế nào, tốn kém bao nhiêu, hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội… “Phải chăng chúng ta đang phê duyệt cho việc đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới mà không biết được thiết kế ra sao, tiền ở đâu, có năng lực thi công không và nhà mới thì có tốt hơn nhà cũ hay không? Do đó, tôi đề nghị QH trước hết giám sát tình hình hiện trạng quản lý dân cư hiện nay từ hộ khẩu, CMND 9 số, CMND 12 số để có cơ sở thực tế đánh giá dự án luật” - ĐB Nghĩa nói.
Tán thành với nhiều nội dung, ý kiến của ĐB Phạm Trọng Nhân, Trương Trọng Nghĩa, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho biết, trong Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính không có nội dung nào đề nghị QH xây dựng dự án Luật CCCD, chỉ quy định tập trung xây dựng trình QH thông qua dự án Luật Hộ tịch và phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác. “Tôi đề nghị QH xem xét lại có nên ban hành luật này không, hay chỉ tập trung xây dựng thẻ CCCD, thẻ công dân điện tử như Chính phủ đã đưa trong quyết định của Thủ tướng” - ĐB đề nghị.
Liên quan đến số định danh cá nhân, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng trong Luật này đã nêu số định danh cá nhân là mỗi một công dân từ khi sinh ra cho đến lúc mất có một số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân này 12 chữ số, ngoài số thứ tự để đảm bảo cho dân số xếp hàng thứ triệu thì ở trong số định danh cá nhân này còn mã hóa về liên quan đến vùng, mã hóa liên quan đến giới tính, do vậy phải đảm bảo 12 chữ số.
Cũng theo ĐB Chung, Hà Nội là địa bàn hiện được Bộ Công an, Chính phủ cho phép triển khai việc cấp CMND theo công nghệ mới bắt đầu từ 1/4/2014. Qua gần 2 tháng, đã cấp được gần 200.000 người, cả cấp đổi, cả cấp mới. “Chúng tôi thấy với công nghệ như hiện nay có thể người dân đi đến làm nhanh hơn so với CNMD cũ. Với công nghệ hiện nay không thể làm giả được so với CMND cũ” - ĐB Chung chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều ĐB cũng ý kiến cần lùi thời gian chính thức có hiệu lực khi dự thảo Luật CCCD được thông qua để có thời gian đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất…; không cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi vì đây là thời gian trẻ vẫn có sự giám hộ của gia đình, người thân, thêm nữa đặc điểm nhận dạng của trẻ ghi trên thẻ CCCD ngay từ khi mới sinh sẽ có nhiều thay đổi; đưa thông tin nhóm máu vào thẻ CCCD…
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng phát biểu ý kiến thảo luận dự án Luật Căn cước công dân.
|