Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ cấu lại nền kinh tế cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn.

“Không chỉ cần thiết mà là rất cần thiết”
Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới vì đã có đầy đủ cơ sở; tạo động lực tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.
Theo các đại biểu phân tích, quá trình triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội đã được thực hiện một cách đúng hướng, bài bản, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch. Tuy nhiên vẫn còn 5/22 mục tiêu chưa hoàn thành, đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Qua quá trình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm.
 Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) khẳng định cơ cấu lại nền kinh tế “không chỉ cần thiết mà là rất cần thiết” và đặt ra 4 vấn đề cần quan tâm. Trước hết là phân bổ nguồn lực nội địa mất cân đối. Ví dụ vốn trong DNNN chiếm rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả trong khi tư nhân khó tiếp cận; nhiều vùng tiềm năng tốt nhưng chưa quan tâm đầu tư tương xứng. Nền kinh tế thiếu trụ cột tạo nên phát triển tự chủ và bền vững. Đại biểu dẫn số liệu FDI chiếm phần lớn trong xuất khẩu, “tăng trưởng hộ các nước khác chỉ để nhận giá trị gia tăng rất nhỏ” và nhấn mạnh, muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường phải có trụ cột như các tập đoàn mạnh không chỉ làm chủ trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Theo các đại biểu, tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế và thực tế các lĩnh vực, thậm chí từng hộ gia đình cũng đang có sự thay đổi từ chi tiêu đến phương thức hoạt động. “Đương nhiên nền kinh tế đặt ra thay đổi nhiều hơn. Chúng ta muốn là nước đi đầu trong thời đại 4.0 nhưng làm chủ được gì trong công nghệ? Hội họp, học hành online vẫn dùng Team, Zoom. Tôi nghĩ hoàn toàn làm chủ được nếu đặt hàng DN trong nước. Tái cơ cấu nền kinh tế cần cơ chế đột phá chứ không phải giải pháp thông thường” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận : Ảnh: Quochoi.vn

Đặt vấn đề về việc nền kinh tế của Việt Nam rất mở, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn trước những tác động từ kinh tế thế giới, nhất là việc các nước đang tung ra các gói kích thích nền kinh tế làm tăng tổng cầu có thể khiến chi phí giá cả tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu có thể tác động đến lạm phát trong thời gian tới, đặc biệt là các chi phí, dự toán đầu tư có thể thay đổi.
“Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, điểm yếu cần rà soát chỉ ra các nguyên nhân. Phân bổ vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế. Ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo" – đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
Gỡ các “nút thắt”
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), về hướng tiếp cận, nên được quan tâm tập trung xác định "nút thắt" của nền kinh tế, của ngành, của địa phương mình, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.
“Vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa những "nút thắt" thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc nhưng không giải tỏa được các điểm nghẽn. Cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn. Những nút thắt này khái quát lên những mâu thuẫn đang hiển hiện trong trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước”- đại biểu nêu.
Các đại biểu cũng cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế từ khía cạnh nào đó là phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.  Trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những nút thắt và tạo ra những thay đổi mang tính đột phá. Đó là một phương thức nhằm cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất.
 Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) và một số đại biểu cho biết, cần nhìn nhận cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là quá trình thường xuyên, liên tục phục vụ cho mục tiêu phát triển phù hợp trong từng thời kỳ. Một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, một mô hình tăng trưởng năng động, bền vững cần một quá trình tích lũy những nhân tố tăng trưởng mới, tạo lập vững chắc các nền tảng về thể chế, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, vấn đề nông thôn - nông nghiệp - nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trật tự và an toàn xã hội.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cũng chỉ ra hiệu quả, tính bền vững và khả năng thích ứng của nền kinh tế chưa cao. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Động lực của tăng trưởng là xuất khẩu hàng hóa nhưng còn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn….
Từ những phân tích trên, các đại biểu đề nghị chỉ rõ nguyên nhân đối với hạn chế, yếu kém của từng nội dung cụ thể, trong đó cần đi sâu phân tích, đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân chủ quan quản trị, điều hành; nguyên nhân do dịch và bổ sung nguyên nhân khách quan như: Nhiều vấn đề quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi thực hiện trong dài hạn…

Vượt qua tư duy nhiệm kỳ

Trao đổi tại phiên thảo luận, Bộ trưởn Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế không phải là vấn đề mới mà đã thực hiện 10 năm rồi, vấn đề là đã làm được gì, chưa làm được gì và cần thiết làm thời gian tới cần thực hiện thế nào cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng cho rằng, thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, nếu trì hoãn sẽ đối mặt với với hàng loạt thách thức: Khó thu hẹp khoảng cách với các nước; khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình; biến đổi khí hậu, dịch bệnh; không tiếp cận được cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội hội nhập quốc tế; không nâng cao được tính tự chủ, thích ứng, chống chịu của nền kinh tế và không tận dụng được cơ hội mới hình thành sau đại dịch.

“Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải thực hiện được, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất.Đây là nội dung hết sức quan trọng, cấp bách với nền kinh tế nước ta” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng phân tích, nội hàm và bản chất của cơ cấu lại nền kinh tế là phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinnh tế. Thay đổi hệ thống thể chế, chính sách, điều chỉnh trong chỉ đạo điều hành phù hợp tình hình mới, không chỉ tập trung các ngành, không gian kinh tế mà còn quan tâm lĩnh vực quan trọng, tiềm nang lợi thế, dư địa mới để hình thành ngành mũi nhọn mang tính lan toả vững chắc, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

 Đồng thời cho rằng, các bộ, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm thực hiện, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ, chống cát cứ, tính đến lợi ích tổng thể, liên vùng, liên ngành. Nếu chia cắt, phân khúc sẽ khó đem lại hiệu quả chung của nền kinh tế. Bộ trưởng cũng cho biết, khâu đột phá tập trung ở thể chế, chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.