Có hỗ trợ của Nga trong vụ phóng vệ tinh lần 3 của Triều Tiên?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quan chức Hàn Quốc cho biết vụ phóng lần này có thể kết hợp với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Moscow - minh chứng của mối quan hệ đối tác ngày càng khăng khít giữa Nga và Triều Tiên.

Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng tên lửa được cho là mang theo vệ tinh hôm 21/11, nỗ lực thứ ba của Bình Nhưỡng trong năm nay nhằm đưa vệ tinh do thám đầu tiên của nước này lên quỹ đạo.

Người dân xem TV phát bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa vào không gian, tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/8/2023. Ảnh: Yonhap
Người dân xem TV phát bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa vào không gian, tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/8/2023. Ảnh: Yonhap

Triều Tiên trước đó đã thông báo cho Nhật Bản rằng họ có kế hoạch phóng một vệ tinh từ ngày 22/11 đến ngày 1/12, sau hai lần phóng thất bại hồi đầu năm. 

Các quan chức ở Seoul và Tokyo cho biết chưa thể xác minh việc vệ tinh có tiến thành công vào quỹ đạo hay không.

Vụ phóng hôm 21/11 diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cơ sở vũ trụ của Nga vào tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương. Tại đây, Tổng thống Nga cam kết sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết nỗ lực phóng tên lửa của Bình Nhưỡng có thể kết hợp với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Moscow - một phần của mối quan hệ đối tác ngày càng khăng khít, trong khi Triều Tiên gửi hàng triệu đạn pháo tới Nga. Nga và Triều Tiên phủ nhận các thỏa thuận vũ khí tương tự, nhưng công khai cam kết hợp tác sâu sắc hơn.

Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood cho biết: “Vụ phóng là sự vi phạm trắng trợn khác đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa được cho là mang theo một vệ tinh trinh sát và được phóng về phía Nam từ khu vực Tongchang-ri, nơi đặt cơ sở phóng vệ tinh Sohae chính của Triều Tiên.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho người dân khu vực phía Nam để tìm chỗ trú ẩn phòng ngừa rủi ro từ tên lửa của Triều Tiên.

Cụ thể, thông qua hệ thống phát sóng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu người dân ở Okinawa ẩn nấp bên trong tòa nhà hoặc dưới lòng đất. Đài truyền hình NHK dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa có thể là một vệ tinh.

Sau đó, họ cho biết tên lửa dường như đã bay qua Okinawa về phía Thái Bình Dương vào khoảng 22h55, Tokyo hiện đã dỡ bỏ cảnh báo khẩn cấp.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA hôm 21/11 đưa tin rằng nước này có “quyền chủ quyền” trong việc tăng cường sức mạnh quân sự trước hệ thống giám sát không gian do Mỹ dẫn dắt và bảo vệ sự phát triển vệ tinh quân sự của Bình Nhưỡng. 

Trong phát biểu ngắn gọn với các phóng viên khi đến văn phòng thủ tướng Nhật Bản, ông Fumio Kishida nhắc lại rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là mối đe dọa đối với sự an toàn của công dân Nhật Bản.

Trước đó cùng ngày, ông Kishida cho biết các hệ thống phòng thủ của Nhật Bản, bao gồm các tàu khu trục Aegis và tên lửa phòng không PAC-3, đã sẵn sàng cho bất kỳ “tình huống bất ngờ” phát sinh.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết chưa có báo cáo ngay lập tức về kết quả vụ phóng và gọi các vụ phóng tên lửa thường xuyên của Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an toàn.

Trước đây, Triều Tiên đã thông báo cho Nhật Bản, với tư cách là cơ quan điều phối của Tổ chức Hàng hải Quốc tế về các vùng biển đó, về kế hoạch phóng vệ tinh của mình.

Bình Nhưỡng cho biết họ có kế hoạch triển khai một số các vệ tinh để theo dõi động thái của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Nước này từng thực hiện nhiều nỗ lực để phóng vệ tinh "quan sát". Các nhà phân tích cho rằng vệ tinh do thám có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả vũ khí của Triều Tiên.

Hôm 20/11, quân đội Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo yêu cầu Triều Tiên hủy bỏ mọi kế hoạch phóng vệ tinh, mô tả đây là hành động khiêu khích đe dọa an ninh Hàn Quốc.