70 năm giải phóng Thủ đô

Cơ hội thể hiện "sức mạnh ngoại giao" của Nga

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh của BRICS, Tổng thống Vladimir Putin muốn tranh thủ sự ủng hộ từ các nước được Nga xem là "đồng minh chủ chốt", đồng thời khẳng định tầm ảnh hưởng của Moscow trên trường quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS vừa khai mạc tại thành phố Kazan (Nga) với sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo thế giới. Đây được xem là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Nga trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau cuộc xung đột với Ukraine.

BRICS, ban đầu là tổ chức gồm 5 nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, được thành lập vào năm 2006. Nhóm tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên năm 2009, với Nam Phi gia nhập một năm sau đó.

2023 đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức với số nước thành viên được mở rộng, trong đó có Ai Cập, Ethiopia, Iran và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Argentina, dù được mời gia nhập BRICS, đã từ chối để tăng cường quan hệ với phương Tây dưới thời Tổng thống Javier Milei.

Khuếch trương sự ủng hộ từ đồng minh

Hội nghị thượng đỉnh của BRICS năm nay thu hút sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo quan trọng từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Nam Phi. Ngoài ra, hội nghị còn có sự hiện diện của các lãnh đạo từ UAE, Iran, Ai Cập và Ethiopia, cùng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với tư cách quan sát viên. Đặc biệt, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng có mặt, bất chấp sự phản đối từ Ukraine.

Từ trái sang phải: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024. Ảnh: Sidhant Sibal/X
Từ trái sang phải: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024. Ảnh: Sidhant Sibal/X

Theo báo RTE, đây là dịp để Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia được Nga xem như "đồng minh chủ chốt" như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Những cuộc gặp mặt này đặc biệt có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh ông chủ Điện Kremlin bị hạn chế di chuyển ra nước ngoài và từng phải hủy kế hoạch tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi năm ngoái.

Trong các cuộc gặp song phương tại sự kiện, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh mối quan hệ "sâu sắc" giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh thế giới đang "hỗn loạn". Đáp lại, Tổng thống Putin khẳng định quan hệ Nga-Trung là nền tảng của sự ổn định toàn cầu và Moscow có ý định tăng cường hợp tác với Bắc Kinh trên mọi nền tảng đa phương.

Trong khi đó, Thủ tướng Modi thể hiện vai trò trung gian hòa giải khi kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, hai nước vẫn được Ấn Độ duy trì quan hệ cân bằng. Nỗ lực hòa giải của ông Modi còn được thể hiện qua các chuyến thăm của nhà lãnh đạo này tới Moscow (Nga) và Kiev (Ukraine) lần lượt trong tháng 7 và tháng 8, dù chúng vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể.

Các đồng minh khác cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Nga. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi Moscow là "đồng minh và bạn bè có giá trị" từ thời kỳ đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ca ngợi sự phát triển quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là sự đóng góp của Nga trong các dự án quốc gia của Ai Cập.

Chứng minh Nga "không đơn độc"

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tại Kazan. Dù cách biên giới Ukraine 1.000km, thành phố vẫn đối mặt với nguy cơ tấn công bằng thiết bị bay không người lái. Chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, như hạn chế di chuyển trong trung tâm thành phố.

Theo kênh Al Jazeera, Chương trình nghị sự của hội nghị lần này tập trung vào việc thách thức trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Các thành viên BRICS đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào USD và hệ thống thanh toán SWIFT, nhất là sau khi các ngân hàng Nga bị cắt khỏi mạng lưới tài chính quốc tế này từ năm 2022. Dù đề xuất về một đồng tiền chung của BRICS vẫn còn nhiều thách thức, các nước thành viên đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại song phương.

Đối với Nga, hội nghị năm nay mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Moscow phải đối mặt với sự cô lập ngoại giao và các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ phương Tây. Trong bối cảnh đó, hội nghị BRICS tại Kazan là cơ hội để Nga chứng minh họ vẫn có những đồng minh mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng nhất định trên trường quốc tế.

Nga chủ trì phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024. Ảnh: Sidhant Sibal/X
Nga chủ trì phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024. Ảnh: Sidhant Sibal/X

Sự phát triển của BRICS phản ánh xu hướng chuyển dịch quyền lực toàn cầu và mong muốn của các nước đang phát triển trong việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực. Tuy không nhằm mục đích thay thế hoàn toàn vai trò của phương Tây, BRICS đang nỗ lực tạo ra những lựa chọn thay thế trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế, đặc biệt là sau khi chứng kiến tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 tại Kazan không chỉ là một diễn đàn thảo luận về hợp tác kinh tế, mà còn là minh chứng cho sự thay đổi trong cân bằng quyền lực toàn cầu. Đối với Nga, sự kiện này càng trở nên quan trọng trong nỗ lực khẳng định vị thế quốc tế và tìm kiếm các đối tác chiến lược mới trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây.