KTĐT - Việc đánh bắt cá ở Địa Trung Hải được điều phối bởi các hiệp ước của Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và các luật riêng khác của 21 quốc gia giáp ranh với vùng biển này.
Một báo cáo nghiên cứu do Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) cho biết có hơn 40 loài cá ở khu vực Địa Trung Hải có thể sẽ biến mất trong vài năm tới.
Theo nghiên cứu của IUCN, khoảng một nửa loài cá mập và cá đuối ở Địa Trung Hải và ít nhất 12 loài cá có xương đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn đánh bắt quá mức, ô nhiễm môi trường và mất môi trường sống.
Việc đánh bắt thương mại đối với các loài như cá ngừ vây xanh, cá chẽm, cá tuyết và cá mú đang gây ra mối đe dọa đặc biệt, IUCN - một mạng lưới môi trường bao gồm 1.000 tổ chức ở 160 quốc gia trên toàn thế giới cho biết.
Ông Kent Carpenter - điều phối viên đánh giá các loài hải sản toàn cầu của IUCN - nói rằng khu vực Địa Trung Hải và đông Đại Tây Dương, nơi cư trú của loài cá ngừ vây xanh, được quan tâm đặc biệt.
Ông Carpenter trích dẫn sự sụt giảm mạnh về khả năng sinh sản của loài cá này do sự đánh bắt quá mức trong vòng 4 thập kỷ qua.
Hiện nay, người Nhật tiêu thụ khoảng 80% loài cá ngừ vây xanh đánh bắt ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và hai loài cá ngừ khác được đặc biệt đánh giá cao bởi những người yêu thích món sushi.
Việc đánh bắt cá ở Địa Trung Hải được điều phối bởi các hiệp ước của Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và các luật riêng khác của 21 quốc gia giáp ranh với vùng biển này.
Tháng 11 năm ngoái, Ủy ban quốc tế về bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương đã bỏ phiếu cắt giảm hạn ngạch đánh bắt cá ngừ ở đông Đại Tây Dương và Địa Trung Hải từ 13,5 triệu tấn hàng năm xuống còn 12,9 triệu tấn - giảm khoảng 4%. Ngoài ra, tổ chức này còn cam kết cải thiện việc thực thi hạn ngạch đánh bắt cá ngừ.