Đáng chú ý, có 9 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu thu về 1.821 tỷ đồng, bằng 2,15 lần so với mệnh giá cổ phần bán ra. Về thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng Công ty tại các DN, trong tháng 11, các đơn vị đã thoái được 455 tỷ đồng, thu về 9.072 tỷ đồng.
Trong đó, thoái 257 tỷ đồng vốn tại Vinamilk trong tháng 11/2017, thu về 8.733 tỷ đồng. Các con số này cho thấy, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước đang có những chuyển biến cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và việc thay đổi tư duy, cách thức bán vốn, tiếp cận nhà đầu tư, lựa chọn thời điểm bán vốn, thuê tư vấn và vị thế của DN… được coi là “chìa khóa” thành công cho các đợt bán vốn Nhà nước thời gian gần đây.Có thể thấy, thời gian qua, cách tiếp thị, bán hàng DN Nhà nước của các cơ quan quản lý đang có sự chuyển động. SCIC (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương… đã chủ động giới thiệu cơ hội đầu tư của các DN Nhà nước không chỉ tại thị trường trong nước mà còn giới thiệu ra các thị trường nước ngoài tiềm năng. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan này còn chủ động tiếp xúc với các tổ chức đầu tư tài chính, cung cấp thông tin về thị trường chứng khoán, về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước để nhà đầu tư nước ngoài có thêm thông tin cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam. Việc minh bạch thông tin, “đặt hàng” các tổ chức tài chính quốc tế chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, giám sát và quản lý… cũng được các cơ quan chủ quản DN Nhà nước tích cực thực hiện.Với những chuyển động mới trong cách tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài cộng với quyết tâm của Chính phủ, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước thời gian tới tiếp tục được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả cả về lượng và chất.