Thông báo do ECDC đưa ra ngày 1/9 trích dẫn dữ liệu nghiên cứu cho thấy, việc tiêm chủng đầy đủ 2 liều các loại vaccine được cấp phép tại châu Âu đều có khả năng đạt hiệu quả cao trong việc giảm ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện, diễn biến bệnh nặng và nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, liều vaccine thứ ba có thể được xem xét đối với những người bị suy giảm miễn dịch, đồng thời nói thêm rằng những mũi tiêm này nên được thực hiện khác với liều tăng cường.
Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, ECDC cũng nói rằng cần có thêm dữ liệu về thời gian ngăn ngừa virus sau khi tiêm chủng vaccine đầy đủ để khuyến nghị sử dụng các mũi tiêm nhắc lại.
Đức và Pháp đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu tiến hành tiêm vaccine tăng cường cho những người dễ bị tổn thương và bị suy giảm miễn dịch từ tháng này để ngăn ngừa biến thể Delta. Pháp đặt mục tiêu tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba cho khoảng 18 triệu dân vào đầu năm 2022, sau khi xem xét hiệu quả của mũi tiêm tăng cường.
Tuần trước, giới chức Mỹ mới chỉ cấp phép tiêm chủng liều vaccine thứ 3 của Pfizer và BioNTech và Moderna cho những người suy giảm hệ miễn dịch.
Chính phủ Mỹ cũng đã bắt đầu sử dụng liều thứ ba của vaccine Pfizer Inc-BioNTech và Moderna Inc cho những người bị suy giảm khả năng miễn dịch. Nước này lên kế hoạch cung cấp các liều tăng cường rộng rãi hơn từ ngày 20/9 tới nếu các cơ quan quản lý y tế của đất nước cho là cần thiết.
Tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường vẫn là vấn đề gây tranh cãi vì chưa rõ bao nhiêu người cần tiêm và tần suất ra sao. Một số nhà khoa học cũng đặt câu hỏi liệu có đủ bằng chứng cho thấy mũi tiêm tăng cường là cần thiết, đặc biệt là đối với người trẻ, khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng 8 tuyên bố chưa có dữ liệu cho thấy cần phải tiêm mũi vaccine tăng cường. WHO còn cảnh báo tiêm mũi vaccine thứ ba sẽ gia tăng bất bình đẳng về vaccine giữa các nước giàu và các nước thu nhập thấp.
Ngày 1/9, WHO tiếp tục hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới ngừng thực hiện kế hoạch tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba trong ít nhất 1 tháng nữa để tạo cơ hội tiếp cận vaccine cho các nước nghèo hơn.
Theo số liệu của WHO, hiện hơn 5 tỷ mũi vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, và 75% trong số đó được tiêm ở 10 quốc gia. "Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi tạm hoãn tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường, ít nhất là cho đến cuối tháng này để những nước khó khăn nhất có thể thực hiện được mũi vaccine đầu tiên”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo hôm 1/9.