Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Chuẩn hóa thông tin

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 7 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), hoạt động xây dựng, quản lý và vận hành Cơ sở dữ liệu LLTP chuyên nghiệp và hiện đại luôn được Bộ Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
Theo thống kê, trong hơn 6 năm qua, số lượng thông tin LLTP được tiếp nhận vào Cơ sở dữ liệu LLTP ngày càng tăng. Nếu như trong những năm đầu triển khai thi hành Luật LLTP (từ 7/10/2010 đến 31/12/2012), số lượng thông tin tiếp nhận trên toàn quốc khoảng 200.000 thông tin/năm thì từ năm 2013 đến nay, các Sở Tư pháp đã tiếp nhận hơn 550.000 thông tin/năm.
 Cán bộ bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp Phiếu LLTP. Ảnh: Thái San
Ngành Tư pháp đã không ngừng đẩy mạnh việc cập nhật, xử lý thông tin để đưa vào tích hợp, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu LLTP. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012, số lượng thông tin được kiểm tra, phân loại tại các Sở Tư pháp chỉ chiếm từ 35 - 75% thông tin nhận được. Từ năm 2013 đến nay, số lượng thông tin được kiểm tra, phân loại đã chiếm 96% số lượng thông tin nhận được. Trong đó, đã xử lý, tích hợp trong Cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin cho các Sở Tư pháp khác chiếm hơn 75% thông tin đã được tiếp nhận.

Ngay từ khi Luật LLTP được ban hành và triển khai, ngành Tư pháp đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP. Từ tháng 5/2011, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng Phần mềm quản lý LLTP gồm 2 phiên bản: Một phiên bản dùng chung cho các sở tư pháp và một phiên bản dùng cho Trung tâm LLTP quốc gia. Phần mềm đã đáp ứng một số yêu cầu cơ bản về chuẩn hóa thông tin LLTP, cung cấp tiện ích hỗ trợ việc tiếp nhận, thu thập, xử lý thông tin LLTP.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 28/5/2018 về quy chế phối hợp thực hiện liên thông TTHC cấp Phiếu LLTP - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn TP. Việc liên thông TTHC sẽ giúp rút ngắn thời gian giải quyết còn 12 ngày làm việc do người lao động nước ngoài có thể nộp đồng thời 2 TTHC trong 1 bộ hồ sơ, các giấy tờ trùng nhau giữa 2 thủ tục đều được lược bớt.

Điện tử hóa cơ sở dữ liệu

Để từng bước thay thế việc gửi thông tin LLTP bằng văn bản giấy và hạn chế tối đa việc thông tin phải nhập lại nhiều lần, từ tháng 7/2014, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng phân hệ trao đổi thông tin LLTP điện tử giữa Bộ và Sở Tư pháp tại Phần mềm quản lý LLTP. Từ tháng 5/2015 đến cuối tháng 12/2017, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp đã chuyển được 313.133 thông tin LLTP điện tử. Việc cung cấp, trao đổi dữ liệu LLTP điện tử giúp tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP; đồng thời, góp phần đồng bộ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu LLTP tại Bộ Tư pháp và tại các Sở Tư pháp.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những giải pháp ứng dụng CNTT khác vào hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP. Đến nay, 63 Sở Tư pháp đều sử dụng, xử lý, cập nhật thông tin trên cơ sở Phần mềm quản lý LLTP dùng chung do Bộ Tư pháp xây dựng. Đồng thời, dữ liệu điện tử do các Sở Tư pháp tạo lập tại các phần mềm riêng đã được Bộ Tư pháp nhập vào phần mềm quản lý LLTP dùng chung. Qua đó, từng bước tạo lập, xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP điện tử thống nhất trên cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, so với giai đoạn đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ với thông tin được tiếp nhận, kiểm tra, xử lý 100% dưới dạng văn bản giấy gây ra sự chậm trễ, sai lệch thông tin thì hiện nay, việc ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ đã phần nào giải quyết được những hạn chế nêu trên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn chuyển giao từ phương thức xử lý, cập nhật thủ công thông tin sang việc điện tử hóa Cơ sở dữ liệu LLTP. Việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cần có lộ trình, giải pháp thích hợp để từng bước tiến đến việc điện tử hóa hoàn toàn công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP nhưng vẫn bảo đảm nhanh chóng, chính xác, tránh lãng phí và đầu tư hiệu quả.q