Theo đó, đa số các đại biểu Quốc hội ghi nhận các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là chủ trương đúng đắn, quan trọng được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Việc triển khai bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực, hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi đã có nhiều khởi sắc.
Giải ngân chậm và còn nặng về thành tích
Phát biểu tại phiên thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Đến nay, cả nước có hơn 6.000 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới; 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; đặc biệt 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).
Tuy nhiên có điều bất cập là một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi; giải ngân chậm, vốn đối ứng cao gây khó khăn cho các tỉnh thu nhập thấp; xã được công nhận nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, có sự du di để đạt tiêu chí, còn nặng thành tích để “bằng chị bằng em”, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được. Đồng thời, cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý việc vận động xã hội hoá rất khó khăn, mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, sạch còn chậm và nhân rộng còn là thách thức. Đồng thời, năng lực của cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới còn những hạn chế nhất định, lại luôn thay đổi do yêu cầu nhiệm vụ... Vì vậy, việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn là điều cần phải tránh, các tiêu chí phải đảm bảo, khi nào đạt thì mới công nhận.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị cần khắc phục việc hướng dẫn, phân bổ vốn Trung ương chậm vì “có vốn mà không giải ngân được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với dân”. Ngoài ra, cũng cần khắc phục biểu hiện tự mãn của tổ chức, cá nhân khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, thiếu tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát duy trì nâng chất lượng các tiêu chí, trông chờ ỷ lại vào cấp trên về kinh phí.
Sớm bổ sung bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp thực tiễn
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tăng nhiều chỉ tiêu và yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn trước. Việc duy trì nông thôn mới của các xã đã được công nhận nông thôn mới ở giai đoạn trước khi áp theo bộ tiêu chí ở giai đoạn này khó đạt được. Một số tiêu chí khó đánh giá ở thời điểm hiện tại như: tỷ lệ người có sức khỏe; tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử và tham gia sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, có nơi tỷ lệ sử dụng internet, điện thoại thông minh còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế như tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 13%, trở thành bài toán thách thức với nhiều địa phương. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị: Cần sớm tham mưu, sửa đổi bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn - nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng gặp khó khăn.
Đại biểu đề xuất cần ban hành bộ tiêu chí mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và dài hơi hơn, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những chỉ tiêu, tiêu chí không còn phù hợp với thực tiễn thì chỉ cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) đề nghị cần xem xét lại các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã ban hành và điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp như: Nước sạch, hỏa táng, nhà văn hóa đối với từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hàng năm luôn chậm nhưng không được khắc phục triệt để ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở nhất là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.
Theo đại biểu Trần Quang Minh, từ nay đến cuối năm 2025 còn hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng nhiều tiêu chí quan trọng còn cách xa với chỉ tiêu đặt ra (như tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí về thu nhập, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm). Đại biểu nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng như sản xuất, thu nhập và giảm nghèo cần được ưu tiên đầu tư chú trọng.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.