Có thể quan sát nguyệt thực tại Việt Nam vào 7/8

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng nguyệt thực một phần kéo dài trong 5 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 22h50 ngày 7/8 đến 3h50 ngày 8/8.

Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, những người yêu thiên văn có thể quan sát được hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong năm 2017 là hiện tượng nguyệt thực một phần tại Việt Nam vào đêm 7, rạng sáng 8/8.
 
Khu vực quan sát trọn vẹn nguyệt thực một phần là phần lớn châu Á (bao gồm Việt Nam), bờ Đông châu Phi và hầu hết châu Đại dương. Phần còn lại của châu Á, châu Phi và toàn bộ châu Âu có thể quan sát một phần hiện tượng này.
Tính theo giờ Việt Nam, hiện tượng nguyệt thực một phần sẽ diễn ra theo lịch trình cụ thể vào khoảng 22h50 ngày 7/8, nguyệt thực nửa tối bắt đầu. Từ 00h22 ngày 8/8, nguyệt thực một phần bắt đầu.
Đến 1h20 ngày 8/8, nguyệt thực đạt cực đại. Khoảng 2h18 ngày 8/8, nguyệt thực một phần kết thúc và 3h50 ngày 8/8, nguyệt thực nửa tối kết thúc.
Theo khoảng thời gian nói trên, hiện tượng này rơi vào nửa đêm. Ở pha nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng ới đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất nên rất sáng, chỉ tối đi một chút và có thể có màu đỏ nhạt.
Vào pha một phần, Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối hoàn toàn của Trái Đất và phần đi vào vùng đó chuyển sang đỏ thẫm và rất tối so với phần còn lại. Pha một phần là giai đoạn đáng chú ý nhất khi quan sát hiện tượng này.
Người quan sát có thể dùng mắt thường để theo dõi hiện tượng. Tuy nhiên, nếu có một chiếc kính thiên văn nhỏ hoặc ống nhòm hoặc ống kính camera có độ phóng đại quang học cao (trên 10x) sẽ là dụng cụ hỗ trợ tốt hơn cho việc quan sát.
Điều kiện thời tiết cũng sẽ ảnh hưởng đến việc theo dõi nguyệt thực, chỉ khi trời không mưa hoặc mây mù che thì người yêu thiên văn mới có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần