Chiều 3/12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP khoá XV, thảo luận tại Tổ Đại biểu (ĐB) số 6 (gồm các quận, huyện: Thanh Trì, Thanh Xuân, Long Biên, Thanh Oai, Thạch Thất), các ý kiến đề xuất cần có chế tài mạnh trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Cần có chế tài rõ hơn, mạnh hơn
Đánh giá kết quả quản lý trật tự xây dựng, ĐB Trịnh Xuân Quang (quận Thanh Xuân) cho hay, từ khi Thủ tướng Chính cho phép thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã; TP đã có quyết định về cơ chế phối hợp giữa Đội Quản lý trật tự xây dựng với Sở Xây dựng và quận, huyện, thị xã, phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu thảo luận tại Tổ Đại biểu số 6 (gồm các quận, huyện: Thanh Trì, Thanh Xuân, Long Biên, Thanh Oai, Thạch Thất) |
Công tác này được triển khai nghiêm túc, nề nếp hơn, nâng cao hiệu quả kiểm tra trên địa bàn, các vụ việc vi phạm hạn chế và giảm rõ rệt. Qua thực tiễn vẫn còn bất cập giữa Luật Thanh tra, gây lúng túng và hạn chế trong hoạt động của các đội về cơ chế thực hiện và phạm vi. Đội không trực tiếp xử lý vi phạm mà chỉ lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý.
Trong khi đó, ĐB Đinh Trường Thọ (tổ Thanh Oai) cho biết, hiện nay, tình trạng xây dựng không phép, sai phép giảm, nhưng vấn đề quản lý đất đai vô cùng khó. Trước đây, nếu xảy ra vi phạm có thể cắt điện, nước, nhưng hiện nay không thực hiện được. “Trong một đêm, những trường hợp vi phạm có thể xây dựng xong khung mái tôn, thành một dãy nhà, nếu không có chế tài mạnh thì không xử lý được. Do đó, cần có chế tài rõ hơn, mạnh hơn, hiện với quy trình, thủ tục này thì xử lý khó khăn” – ĐB Đinh Trường Thọ đề xuất.
Theo ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân), hiện các ban quản lý dự án làm việc quá tải, công tác GPMB phối hợp với các quận, huyện chưa tốt, thủ tục đầu tư rất phức tạp, DN kêu rất nhiều. Nhiều trường hợp GPMB xong nhưng việc giao đất để thực hiện dự án bị ách tắc, không chỉ xảy ra trên địa bàn Hà Nội mà cả TP Hồ Chí Minh. Nếu Chính phủ không có hướng dẫn sẽ bị tắc, là nút thắt của nền kinh tế, nếu năm 2020 không tháo gỡ được sẽ bị ảnh hưởng.
Về quy hoạch cải tạo chung cư cũ, ĐB Trịnh Xuân Quang cho hay, hầu như năm nào cũng đề ra mục tiêu kế hoạch là hoàn thành việc quy hoạch cải tạo chung cư cũ, tuy nhiên hiện vẫn đang bế tắc trong việc quy hoạch và kế hoạch cải tạo. Trong báo cáo không đánh giá khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm mà chỉ nêu chung chung. Do đó, cần có đánh giá cụ thể về những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp để cải tạo chung cư cũ.
Nhiều dư địa có thể tăng trưởng cao
ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) cho biết, qua theo dõi một số chỉ số kinh tế, thì chỉ số xuất khẩu trong nhiệm kỳ này tăng cao, trong năm 2019, xuất khẩu tăng đến 18%. Cùng với dư địa trong xuất khẩu, thì trong năm 2020, Hà Nội còn nhiều dư địa như dư địa về du lịch, có thể tăng trưởng cao.
Đối với vấn đề khởi nghiệp, Chính phủ đã khởi động quốc gia khởi nghiệp; các bộ, ngành và chính TP thông qua chính sách tạo ra bước khởi nghiệp trên địa bàn TP, tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp của các DN chưa được như mong muốn. Cùng với phong trào khởi nghiệp, công nghiệp số công nghệ thông tin cũng là dư địa rất lớn để phát triển, cho lợi nhuận cao.
“Chuyển từ hộ cá thể lên DN cũng là dư địa lớn mà TP chưa làm, có mô hình tốt như phở Thìn Bờ Hồ, dù chỉ có diện tích nhỏ, sơ sài, thu hút được du khách. Dư địa chuyển từ hộ cá thể lên DN, thậm chí tạo thành thương hiệu lớn rất nhiều nên được khuyến khích, tạo xu hướng trong kinh doanh, xuất khẩu” - ĐB Nguyễn Minh Đức đề xuất.
ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) phát biểu tại buổi thảo luận. |
Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Minh Đức, đối với Nghị quyết về tổng biên chế hành chính sự nghiệp, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nếu không giải quyết vấn đề tự chủ tài chính và về mặt nhân sự thì vẫn loay hoay. Đối với việc sắp xếp tổ dân phố, với những trường hợp tổ có số dân đông, 700-800 hộ, cần phải có tổ phó tổ dân phố, nếu không sẽ rất khó triển khai. Về vấn đề đô thị, nếu không giải quyết tốt hạ tầng giao thông, sẽ không giải quyết được ùn tắc gao thông. TP nên có Nghị quyết tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông đô thị. Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí rất nguy hại, năm 2020 cần phải tập trung nguồn lực và các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí mà đầu tiên là giảm thiểu khí thải ô tô, xe máy.
Gây ô nhiễm môi trường phải xếp loại tội phạm môi trường
Về vấn đề nước sạch, phát sinh về an ninh nguồn nước, theo ĐB Nguyễn Minh Đức, sau vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà, có xã hội hóa nước sạch không? Vấn đề đặt ra là có nên tách việc sản xuất nước sạch với hạ tầng phân phối nước sạch hay không để tránh việc độc quyền. Người dân ngoại thành có quyền dùng nước sạch càng sớm càng tốt. Mặc dù đã có nước sạch, nhưng nhiều nơi chưa đấu nối, do đó cần có chính sách hỗ trợ DN làm nước sạch.
ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) cũng cho hay, tới đây, nước sạch lấy từ nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đà, quản lý không chỉ một mình Hà Nội mà có Bộ TN&MT và các tỉnh, TP. Các làng nghề làm đồ gỗ, nhuộm, mạ, làm giấy không qua thu gom, xả thải trực tiếp xuống sông, hồ, sẽ chảy ra các con sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Các cơ sở ô nhiễm cần phải di dời, theo quy định của Luật Thủ đô. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải xếp loại tội phạm môi trường để ngăn chặn, đấu tranh, chuyển sang khởi tố thì mới ngăn chặn, nếu không chúng ta phải thụ hưởng chất độc hại.