"Khi bạn đang giành thế chủ động trên chiến trường, thật kỳ cục nhận được những đề xuất như: bạn sẽ không thể làm bất kỳ điều gì bằng các khí tài quân sự, bạn cần phải đàm phán" - ông Podolyak cho hay.
Điều này tức là Ukraine phải đầu hàng trước đối phương, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bình luận với AFP hôm 20/11.
Tuyên bố được ông Podolyak đưa ra sau khi truyền thông Mỹ gần đây đưa tin một số quan chức cấp cao của phương Tây đang bắt đầu hối thúc Kiev cân nhắc đến việc đàm phán với Moscow, điều mà cho tới nay, Tổng thống Zelensky vẫn từ chối nếu Nga không rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hồi đầu tháng này cho rằng "chiến thắng khó có thể đạt được bằng biện pháp quân sự", đồng thời nhận định đang "có cơ hội đàm phán" cho cả Ukraine và Nga sau đà phản công gần đây của Kiev.
Ông Podolyak nói rằng Moscow chưa đưa ra "bất kỳ đề xuất trực tiếp nào" về đàm phán hòa bình với Kiev, thay vào đó chuyển đề nghị qua các bên trung gian và thậm chí nêu khả năng ngừng bắn. Ukraine xem các cuộc đàm phán như vậy chỉ là cách Nga "câu giờ" để có thêm thời gian phục hồi lực lượng, chuẩn bị cho đợt tấn công mới.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine cũng khẳng định phương Tây không thể gây sức ép để Kiev ngồi vào bàn đàm phán. "Các đối tác của chúng tôi vẫn nghĩ rằng có thể trở lại thời kỳ trước chiến tranh, khi Nga là đối tác đáng tin cậy" - ông Podolyak cho hay.
Ông Podolyak nhấn mạnh, việc Nga rút quân khỏi Kiev hồi tháng 3, rút khỏi Kharkov ở miền Đông Bắc vào tháng 9 và từ bỏ Kherson trong tháng này tạo nên những bước chuyển “cơ bản” của cuộc xung đột. Theo Cố vấn của Tổng thống Ukraine, với hàng loạt chiến thắng quân sự đó, Kiev sẽ không dừng các cuộc phản công, bất chấp mùa đông lạnh giá khiến tình hình thực địa trở nên khó khăn hơn.
Ông Podolyak lưu ý thêm rằng trong thời gian sắp tới, quân đội Ukraine sẽ tập trung phản công tại các khu vực Zaporizhzhia ở miền nam và tỉnh Lugansk ở miền đông Ukraine, đồng thời bác bỏ suy đoán về khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm chiếm lại bán đảo Crimea, khu vực sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
Theo truyền thông Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi những tín hiệu trái chiều về khả năng đàm phán hòa bình với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Thậm chí vào tháng 10, ông đã ký sắc lệnh cấm các cuộc đàm phán với Nga khi người đồng cấp Putin còn nắm quyền.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Indonesia hôm 15/11, Tổng thống Zelensky đã đưa ra đề xuất gồm 10 điểm để chấm dứt xung đột, trong đó có yêu cầu Nga phải rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cho rằng đề xuất của Kiev là "phi thực tế và không đầy đủ".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lên tiếng phản đối tuyên bố của ông Zelensky. Ông Lavrov nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán, không giống như Ukraine, quốc gia luôn đưa ra các điều khoản đối thoại “không thực tế và không thỏa đáng”. Theo Ngoại trưởng Lavrov, bài phát biểu của Tổng thống Zelensky chứa đầy “những luận điệu hiếu chiến và chống Nga”.