Ông Blinken dành hẳn một tuần để tới Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trước đấy, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thăm Việt Nam và Philipines, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam. Tất cả đều ngay trong năm cầm quyền đầu tiên của chính quyền mới ở Mỹ. Tất cả đều cho thấy chính quyền mới ở Mỹ rất coi trọng khu vực Đông Nam Á.Sự coi trọng này có 3 cơ sở ở trong chiến lược và chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ. Thứ nhất, Mỹ không còn nhìn khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuần tuý nữa mà vươn tầm nhìn ra khu vực còn rộng lớn hơn và có tầm chiến lược cao xa hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về địa lý và địa chiến lược, khu vực Đông Nam Á là một trong những trung tâm của khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cho nên không có gì là khó hiểu khi Mỹ phải coi trọng khu vực này và chinh phục các nước và các đối tác trong khu vực này.Thứ hai, đối phó Trung Quốc là một trong những mục tiêu chủ chốt của Mỹ trong chiến lược về cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc xung khắc và cọ xát lợi ích chiến lược trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Cũng ở đây có các nước với quan điểm khác nhau về Mỹ và Trung Quốc cũng như mức độ quan hệ song phương khác nhau với Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, nhu cầu tranh thủ các nước trong khu vực này càng thêm cấp thiết và quan trọng đối với Mỹ và chỉ khi thể hiện thật sự quan tâm và coi trọng khu vực Đông Nam Á thì việc tranh thủ các nước trong khu vực, tập hợp hay liên kết họ mới dễ dàng khả thi đối với Mỹ.Thứ ba, Mỹ chủ trương không đơn độc hành động trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nói riêng và trong thúc đẩy tiến trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Những nước ở trong khu vực Đông Nam Á vừa rất thích hợp đối với Mỹ lại vừa thuộc diện Mỹ không thể bỏ qua.