KTĐT - Trong khuôn khổ "Năm Đức tại Việt Nam" cũng sẽ có hơn 20 cuộc hội thảo, triển lãm về các vấn đề liên quan đến giáo dục và kinh tế.
Kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2010 được chọn là "Năm Đức ở Việt Nam" và "Năm Việt Nam ở Đức".
Đây là một dự án được tổ chức trong suốt cả năm, với hơn 50 sự kiện, được bảo trợ bởi Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Đức Horst Kôhler và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết.
Ba trụ cột vững chắc
Ông Rolf Schulze - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam - đánh giá quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức đã rất toàn diện, được xây dựng trên ba trụ cột: kinh tế, chính trị, văn hóa. Bởi vậy, các chương trình, sự kiện trong "Năm Đức ở Việt Nam" sẽ hội đủ ba lĩnh vực này.
Bà Mariana Mai, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, 50 sự kiện sẽ được tổ chức nối tiếp nhau trong suốt 12 tháng, được chia làm 4 chủ đề chính: nghệ thuật, đô thị, môi trường, hội thảo về kinh tế và giáo dục.
Chương trình nghệ thuật Bản giao hưởng số 9 Beethoven sẽ mở màn cho "Năm Đức tại Việt Nam" vào ngày 23/1/2010 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nối tiếp mảng nghệ thuật, sẽ có 18 sự kiện khác được triển khai trong khuôn khổ dự án: liên hoan phim Đức ở Việt Nam; hòa nhạc Gudni Emilsson; liên hoan âm nhạc Á - Âu; trình diễn thời trang quốc tế; múa đương đại tổ chức tại Hà Nội và Tp.HCM; Triển lãm ảnh tại Huế - Hà Nội - Tp.HCM; chương trình bảo tồn văn hóa ở Việt Nam; biểu diễn tạo hình tại Hà Nội - Huế - Tp.HCM; dự án tu tạo đình làng Trần Đăng; dự án bảo tồn Lăng Tự Đức...
Chủ đề đô thị sẽ bao gồm 6 sự kiện: thi thiết kế kiến trúc cho Đại học Việt - Đức; triển lãm thành phố trong nghệ thuật, hội nghị "Thay đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững"; triển lãm Hà Nội riêng và chung; triển lãm kiến trúc tre; Chương trình biểu diễn sắp đặt không gian đô thị.
Coi trọng hợp tác kinh tế
Trong khuôn khổ "Năm Đức tại Việt Nam" cũng sẽ có hơn 20 cuộc hội thảo, triển lãm về các vấn đề liên quan đến giáo dục và kinh tế.
Tại triển lãm giáo dục Đức, đại diện của các trường đại học và cơ sở đào tạo của Đức sẽ có mặt trực tiếp để cung cấp thông tin và tư vấn về học tập và nghiên cứu tại Đức. Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), sẽ có một quầy riêng tại Triển lãm để tư vấn về các học bổng của Đức dành cho sinh viên Việt Nam.
Năm 2010, sẽ thành lập Viện Luật Đức tại Việt Nam, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung sẽ cùng với một số đối tác Đức khác hỗ trợ cho các hoạt động của dự án trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và tư liệu. Lễ khai trương Viện tổ chức trong tháng 3/2010 sẽ có Hội thảo "So sánh quốc tế trên lĩnh vực luật lao động".
Vào tháng 4/2010 sẽ có Hội thảo "Hợp tác kinh tế giữa hai nước Đức-Việt" với sự tham gia của một diễn giả đặc biệt, đó là cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder - một người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Hội thảo "Kinh tế thị trường xã hội - một mô hình cho Việt Nam", sẽ diễn ra vào tháng 5/2010 do Viện Konrad-Adenauer phối hợp với Viện Nhà nước và Pháp luật của Việt Nam tổ chức. Hội thảo này sẽ có sự tham dự của các chuyên gia Đức và các đại diện chính trị, khoa học và xã hội Việt Nam.
Tháng 10/2010, Triển lãm "Những nhân lực được chào mời - công nhân hợp tác Việt Nam tại Đức" do Cục Phụ trách các vấn đề hội nhập Bang Brandenburg và Hiệp hội Sông Hồng đảm nhiệm. Triển lãm sẽ giới thiệu cuộc sống của công nhân Việt Nam lao động tại nước Đức.
5 sự kiện về môi trường cùng sẽ được tổ chức trong năm nay:giới thiệu mô hình quản lý nước thải tại các tỉnh lỵ; hội thảo "Lâm nghiệp bền vững, đa dạng sinh học và bảo vệ khí hậu"; ngày hội thông tin quản lý các khu vực ven biển; chương trình truyền thông giới thiệu vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; triển lãm sinh thái: thiết kế và cộng lực.
Vài năm gần đây, các tổ chức hợp tác phát triển của Đức như KfW, GTZ và DED đã thực hiện một dự án đa dạng với nhiều hoạt động nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân tại các trung tâm đô thị ở một số tỉnh của Việt Nam. Triển lãm mô hình quản lý nước sẽ được tổ chức tại các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hải Dương, Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trà Vinh.
Qua đó, người dân và các tổ chức được lựa chọn tham gia sẽ có cơ hội được cung cấp thông tin về công tác thường nhật của các công ty vệ sinh môi trường cũng như về dự án. Từ năm 1945 đến nay, diện tích rừng của Việt Nam đã giảm đi một nửa. Hợp tác phát triển Đức - Việt đã nhanh chóng vào cuộc đã thành công trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm bảo vệ tài nguyên.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho biết, tại nước Đức cũng sẽ có Chương trình "Năm Việt Nam ở Đức". Tuy nhiên, chương trình chỉ bao gồm khoảng 5-6 sự kiện, chủ yếu là văn nghệ, triển lãm về văn hóa của Việt Nam.