Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn đó nét riêng, rất Hà Nội

Mai Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình ảnh những người dân Hà Nội từ già tới trẻ vừa tản bộ tập thể dục xong, vừa thong thả, dừng chân bên trạm tin trước cửa một tòa soạn hay trước cửa công an xã, phường, đôi mắt chăm chú dõi theo những tin bài nóng hổi, chốc chốc quay sang nhau, bàn luận

Đọc giả đọc báo trước cửa trụ sở Báo Hànộimới, nằm ở số 44 đường Lê Thái Tổ của phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Ảnh: Lê Tâm
Đọc giả đọc báo trước cửa trụ sở Báo Hànộimới, nằm ở số 44 đường Lê Thái Tổ của phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Ảnh: Lê Tâm

Những điểm “đọc báo đứng” đã từng rất khó có thể tìm thấy ở các thành phố khác, nhưng với Hà Nội, thói quen này đã trở thành một nét rất riêng, rất Hà Nội.

Từ những năm 90, hình ảnh các trạm tin ở những tòa soạn lớn như: trụ sở báo Hànộimới (Lê Thái Tổ), trụ sở báo Nhân Dân (phố Hàng Trống), trụ sở báo Quân đội Nhân dân (phố Phan Đình Phùng), đã là một địa chỉ rất đỗi thân quen với người Hà Nội. Các trạm tin này được lập ra để phục vụ cho công tác tuyên truyền cho Nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời kỳ khó khăn ấy, không phải ai cũng có điều kiện mua báo giấy để đọc hàng ngày, vì vậy mà các trạm tin luôn là điểm đến thân quen của nhiều người dân Hà Nội để cập nhật tin tức trong nước và thế giới.

Có lẽ, từ lúc nào không hay, những nơi này không chỉ là nơi để cập nhật tin tức, mà còn là nơi để những người yêu báo, yêu Hà Nội bàn luận, hàn huyên những câu chuyện thời sự, văn hóa tới xã hội.

Những trạm tin được thiết kế đơn giản với khung sắt hình chữ nhật to, rộng, chắc chắn đủ để dàn trải những trang báo “nóng hổi” của một tờ báo giấy trong ngày, phía trên là tên tòa soạn, hoặc tên xã, phường, bên ngoài là lớp kính để chắn mưa, chắn gió. Người được phân công, phụ trách của mỗi tòa soạn báo, không kể nắng, mưa, trừ ngày Tết và ngày quốc tế lao động, mỗi ngày sẽ đều đặn làm công việc dán những trang báo vào trạm tin từ rất sớm để phục vụ bạn đọc. Trong tâm thức người Hà Nội, nhất là những người lớn tuổi, hình ảnh người dân đứng xếp hàng, trật tự, kiên nhẫn để chờ đọc từng trang báo là một hồi ức rất đỗi hân hoan. Lâu dần thói quen “đọc báo đứng” trở thành một nét văn hóa và các trạm tin trở thành điểm đến đặc sắc riêng của của người dân yêu Hà Nội.

Thực tế nhiều người cao tuổi, thậm chí ở độ tuổi xưa nay hiếm vẫn giữ thói quen, sở thích đọc báo trên bảng tin. Họ cùng nhau thể dục, cùng đọc báo và bình luận về các vấn đề trong đời sống xã hội, đây cũng là cách để người cao tuổi rèn luyện sức khỏe và duy trì thói quen đọc để rèn luyện trí nhớ của mình.

Ngày nay, khi công nghệ số ngày càng phát triển, thói quen tiếp cận và đọc báo thay đổi, giờ đây mỗi người chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử thông minh là có thể dễ dàng, nhanh chóng cập nhật thông tin thời sự trong nước và thế giới từng giây, từng phút, các trạm tin thưa vắng người đọc. Bên cạnh đó, vẫn có những cơ quan đơn vị, tòa soạn báo luôn lưu giữ một không gian văn hóa đọc từ xa xưa để đáp ứng nhu cầu đọc báo giấy trên trạm tin của một lớp độc giả và hơn hết để gìn giữ nét văn hóa đẹp của người Hà Nội.

Thỉnh thoảng trên phố phường tấp nập, tiếng còi xe ồn ào, ta bắt gặp hình ảnh ai đó đứng trầm tĩnh, dõi theo những dòng chữ trên bảng tin, hay thấy những “bóng hồng” chụp ảnh bên những trạm tin ấy, bỗng nhiên thấy cả một Hà Nội xưa cũ ùa về trong ký ức, rất đẹp, rất riêng.

Mặc dù nếp văn hóa đọc báo giấy trên trạm tin không còn thịnh hành như trước nhưng với những người lớn tuổi và trong tiềm thức của nhiều người Hà Nội đó luôn là mảnh ghép không thể thiếu tạo nên văn hóa Hà Nội một thời.