Những "món dân dã"
Vài năm trước, các tập tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Lập, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Nhật Ánh về cuộc sống của người nông dân (như "Sương khói quê nhà", "Người Quảng đi ăn mì Quảng") hay những câu chuyện đời thường của trẻ nhỏ đã tạo ra luồng sinh khí mới cho văn chương.
Bẵng đi một thời gian, làng văn vắng bóng các tác phẩm gây được sức hút. Cho đến gần đây, những "món dân dã" của các cây bút trẻ dường như đã trở thành "đặc sản" mới của văn chương, đặc biệt là những tác phẩm viết theo thể loại non-fiction. Đan lồng trong những trải nghiệm, khám phá là những chia sẻ, cảm xúc rất lạ và mới của người viết như: "Hồi ký Tâm Phan" và "Từ tuyết đến mặt trời" của Nguyễn Phan Quế Mai, "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip, "Nước Ý - Câu chuyện tình của tôi" của Trương Anh Ngọc, "Một mình ở châu Âu" của Phan Việt…Độc giả như được theo chân người viết đi qua những miền đất lạ, khám phá nét đẹp văn hóa và chiêm nghiệm những cung bậc cảm xúc của người viết.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã nhận xét về "Sóng đưa nước" của Chị Đẹp (Lê Phương Thảo) - một cuốn sách viết theo thể loại non-fiction: "Đây là một loại truyện viết ngẫu hứng, tưởng tượng lan man không chủ đích, nửa thật nửa ảo. Sự bóc tách tâm lý phụ nữ và cả đàn ông vừa khúc chiết, vừa tràn đầy cảm xúc như một cuốn tự truyện". Những góc nhìn gần với nhịp sống hiện đại cùng những phát hiện, phân tích thú vị từ chân dung đến tính cách một bộ phận giới trẻ sống theo "mốt thời thượng" đã tạo ra "mật ngọt" cho cuốn sách. Rồi mới đây, bằng những trang viết "thay lời muốn nói", chạm được vào cảm xúc của người đọc mà "Adam và Eva" của Di Li nhận được nhiều lời khen từ công chúng.
Sức lan tỏa của mạng xã hội
Bên cạnh giá trị thật của tác phẩm, sức lan tỏa của mạng xã hội cũng là kênh "PR" hiệu quả cho những tác phẩm non-fiction. Minh chứng là cuốn "Đàn bà 30" của Trang Hạ bán chạy nhờ cư dân mạng comment nhiều và gửi link cho nhau.
Những chuyển đổi tâm lý, suy nghĩ, ranh giới khác biệt giữa tuổi 20 và 30 được Trang Hạ viết bằng giọng văn dí dỏm mà sâu sắc, nói những điều ngỡ là giản đơn nhưng lại là những phát hiện chân thực, giúp mỗi người tự nhận diện bản thân. "Một thực tế không phủ nhận là bây giờ người ta lười đọc sách văn học, hoặc cũng có thể nhà văn không tạo được sức lan tỏa cho tác phẩm. Tuy nhiên, trên website cá nhân, hay các trang mạng xã hội tôi thấy số độc giả truy cập các bài viết liên quan đến cảm nhận, góc nhìn cuộc sống rất đông" - Di Li chia sẻ.
Vì thế mà khi ra mắt "Adam & Eva", cô đã chọn khách mời là những chủ nhân của các trang mạng "hot". Và ngay lập tức sau đó, thông tin về cuốn sách rộ lên trên các trang mạng và nhiều độc giả đã tìm mua tác phẩm.
Sở dĩ thể loại non-fiction kết hợp với mạng xã hội tạo ra sức lan tỏa mạnh là vì những câu chuyện ấy không quá hàn lâm, ai cũng có thể tiếp cận, cảm thụ và chia sẻ. Mặt khác, viết theo kiểu tự sự không khó, như chia sẻ của nhà văn Di Li: "Tôi chỉ cần khoảng 2 giờ cho một bài viết tản mạn, trong khi viết tiểu thuyết phải đầu tư, nghiên cứu và có thể mất hàng năm mới hoàn thành".
Vì thế, trong bối cảnh văn học trong nước hiếm tác phẩm hay, văn học dịch trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn", bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty sách Phương Đông cho rằng: "Sách thể loại non-fiction sẽ "lên ngôi" vì dễ viết, dễ đọc và phù hợp với nhịp sống hiện nay".