Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn thơm cốm sữa vỉa hè

Phạm Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi quen một nhà văn sống ở Hà Nội gần như suốt cả cuộc đời. Ông có một ký ức dài rộng về TP từ những tháng năm chiến tranh ác liệt, khi Hà Nội còn vẹn nguyên hình hài của “Phố Phái”.

Mỗi lần được ông đưa đi “bát phố”, tôi lại thêm những ký ức đầy thi vị về TP vốn dung dưỡng tôi một cách hào phóng như dung dưỡng bao người nơi khác đến.

Người dân tản bộ trên phố cổ Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải

Ông thường đưa chúng tôi đi thưởng thức những món ngon Hà Nội, rất bình dị, nhỏ bé và độc đáo như bún ốc lạnh, chè xôi, bánh rán… Những món ăn này nằm khuất đâu đó trong những ngõ hẻm, hoặc chỉ có ở… vỉa hè. Những quán ăn đó rất đông người, trong một không gian rất chật chội. Người ăn kẻ uống dường như đều hiểu rất rõ rằng sẽ không có không gian riêng biệt cho họ, không có chỗ cho sự tranh giành, càng không phải chốn để cau có, khó chịu, phàn nàn. Họ đến đó để cùng những người lạ thưởng thức món ăn “có tiếng”.                                                          
Hôm trước, nhà văn gọi điện cho tôi hỏi: “Hà Nội đang “chiến” vỉa hè, mày (ông thường xưng hô suồng sã như vậy với cánh hậu sinh chúng tôi) thấy thế nào?”. Tôi hào hứng: “Cháu rất ủng hộ. Thế là từ nay đi bộ trên vỉa hè không lo bị người ta lườm nguýt, hay bóp còi inh ỏi đòi tránh đường nữa rồi.”. Ông cười ha hả: “Ừ. Phải!”.
Nhưng mấy hôm sau ông lại gọi, bảo: “Tự nhiên tao thấy chán. Vỉa hè đã dẹp, nhưng tao thấy như mình vừa mất đi cái gì đó, thiêng liêng lắm, gần gũi lắm…”.
Tiếp nối “trào lưu” trả lại vỉa hè cho người đi bộ của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng ra quân rầm rộ. Không chỉ TP, một số huyện, xã cũng thực hiện rất quyết liệt. Và thậm chí ngoài TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số tỉnh khác cũng bắt đầu triển khai.
Tôi nhớ đến một bộ phim rất cũ của nước Nga kể về một tình huống oái oăm. Anh chàng nọ sau khi tỉnh dậy từ một cuộc nhậu, liền gọi taxi đưa về căn hộ của mình ở chung cư đó, số nhà đó. Anh ta đàng hoàng mở khóa vào phòng, và oái oăm là trong phòng có… một người phụ nữ lạ. Sau bao nhiêu tranh cãi, anh chàng mới biết rằng số phòng đó, khu nhà đó đều không sai một ly so với miêu tả của anh, thậm chí cả khóa cửa. Chỉ một khác biệt, nó ở… TP khác. Trong khi say xỉn, anh ta bị bạn bè chơi khăm, đưa ra khỏi TP của anh. Họ để anh ở TP đó trong khi biết chắc tình huống oái oăm kia tất yếu sẽ xảy ra.
Tình huống hài hước đó được đẩy lên đỉnh điểm, trở thành một trong những tình huống kinh điển nhất của điện ảnh thế giới. Sau nó, các tình huống tương tự chỉ được xem như một sự… học hỏi.
Thực ra, đây không phải lần đầu TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thực hiện việc “dẹp vỉa hè” nghĩa là sau đó người ta “tái chiếm”, đâu lại vào đấy, như chưa hề có việc gì xảy ra. Theo nhà văn, chỉ có một khác biệt là dường như lần này “ông chính quyền” làm mạnh tay hơn, quyết liệt hơn và có những phương án điều chỉnh dành cho những trường hợp bị mất quyền lợi, như với những người dân mưu sinh nơi vỉa hè chẳng hạn.
Nhưng nhà văn vẫn buồn. Ông nói Hà Nội khác TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là TP ngàn năm văn hiến. Hà Nội có phố cổ, nhà cổ gắn với phong vị đặc biệt của người Tràng An. Vẫn nắng, vẫn gió, vẫn mưa, vẫn lá bay, vẫn hoa nở, nhưng Hà Nội dường như sống chậm hơn, thư thái, an nhiên hơn cả. Chính vì vậy, trong lòng những người nghệ sĩ, đôi khi bề bộn lại là một hình thức nghệ thuật. Họ không thích lắm sự chỉn chu, không thích lắm sự ngăn nắp, trật tự. Cho nên sự biến mất của những quán cóc vỉa hè, những ly trà đá giữa ngàn lá bay gió thổi khiến họ chơi vơi, hẫng hụt.
“Không còn “cốm sữa vỉa hè thơm dấu chân ai” nữa thì còn gì là hồn cốt Thủ đô.” – Nhà văn vẫn phàn nàn… Song tôi biết, thực ra trong lòng nhà văn hiểu rất rõ rằng hồn cốt Hà Nội đương nhiên không nằm ở… quán cóc vỉa hè. Thế nhưng, nó đã trở thành một cái gì đó rất quen thuộc trong nếp sống của nhiều người, nói cách khác, nó là thói quen, là sự tiện lợi. Còn chưa nói vỉa hè đem lại đời sống cho không ít cư dân TP.
Nhưng cũng cần phải có một trật tự, một sự công bằng cho tất cả mọi người. Trả lại vỉa hè cho người đi bộ là việc đáng lẽ phải làm từ rất lâu rồi. Nhưng nếu không có những biện pháp quyết liệt cùng những phương án hợp lý khả thi cho những đối tượng hưởng lợi từ đời sống vỉa hè, thì việc tái chiếm là không tránh khỏi.
Trước mắt, vỉa hè Hà Nội đang “tan hoang” và là nỗi hoang mang chống chếnh trong lòng nhiều người. Nhưng Hà Nội sẽ vẫn còn vẻ đẹp của những gánh hàng hoa bốn mùa. Những vỉa hè thoáng rộng sẽ vẫn thơm dấu chân người qua, và trở thành hình ảnh đẹp, quen thuộc trong lòng người TP.