Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn tình trạng né tránh phân cấp, phân quyền vì lợi ích cục bộ

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu thực tế một số bộ ngành còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại vì lợi ích cục bộ; ngại phân cấp xuống địa phương vì e ngại chưa thực hiện được.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024.

Chiều 7/10, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long thông tin về thực trạng và các giải pháp đẩy mạnh phân cấp phân quyền, xoá bỏ cơ chế xin - cho hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, chủ trương phân cấp phân quyền được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể; từng bộ ngành rà soát thể chế liên quan lĩnh vực quản lý để phân cấp cho địa phương hoặc phân cấp giữa Chính phủ giao cho bộ ngành triển khai thực hiện.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi 14 luật, cho ý kiến đối với 2 luật và chuẩn bị trình thêm 4 luật; trình Quốc hội ban hành 9 nghị quyết, sửa đổi bổ sung thay thế 27 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 quyết định và các bộ ngành ban hành 8 thông tư có nội dung liên quan đến đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Thứ trưởng Trương Hải Long cũng nêu thực tế về tiến độ rà soát, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi trong thời gian qua còn chậm. Một số bộ ngành còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại vì lợi ích cục bộ; ngại phân cấp xuống địa phương vì e ngại chưa thực hiện được…

Trước thực trạng đó, để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo rà soát và xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật. Khi rà soát các vướng mắc trong thực tế để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất, thực hiện kịp thời sửa đổi việc một luật sửa nhiều luật.

“Trong chỉ đạo chung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì cần đẩy mạnh giao thẩm quyền đúng tinh thần cấp nào làm, cấp đó chịu trách nhiệm; rõ người rõ việc, rõ trách nhiệm; đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ khi chấp hành thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật…” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Về phía Bộ Nội vụ, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp phân quyền, Bộ  đã tham mưu cho Chính phủ sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi đã phân cấp phân quyền phải theo hướng địa phương quyết định thì địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Bộ Nội vụ đã tiếp thu để sửa đổi những quy định chung liên quan đến  phần nguyên tắc phân cấp phân quyền, tiến tới phân định thẩm quyền. Trên cơ sở đó các bộ chuyên ngành khi rà luật chuyên ngành sẽ sửa đổi bổ sung các quy định khác có liên quan bảo đảm rõ thầm quyền, trách nhiệm.

Cùng thông tin về nội dung này tại họp báo Chính phủ, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đưa ra yêu cầu các bộ phải phân cấp 699 thủ tục hành chính. Những thủ tục này nằm ở các luật, nghị định, thông tư và ở một số quy chuẩn.  

Sau hơn 2 năm triển khai, 299 thủ tục hành chính được phân cấp tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 43,8%. Hiện nay, còn 404 thủ tục hành chính nằm ở các luật, nghị định, thông tư cần phân cấp sẽ được thực hiện thời gian còn lại của năm 20924 và năm 2025, sắp tới sẽ được đẩy nhanh.