Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Hà Nội: Nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân”, công tác PBGDPL ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Theo Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc, trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức triển khai công tác này đã chuyển biến tích cực. Đội ngũ nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL trong thời gian qua đã góp phần cơ bản, quan trọng tạo sự đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả trong triển khai trên toàn quốc.
 Một tiểu phẩm về trật tự ATGT, phòng chống tác hại ma túy... tại trường THCS Láng Thượng. Ảnh: Hồng Thái
Nhìn chung, công tác PBGDPL trong những năm qua đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Nội dung PBGDPL đã bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương; những vấn đề dư luận quan tâm và cần định hướng dư luận đã được chú trọng thực hiện. Hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, sáng tạo. Nhiều mô hình hay, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn đã xuất hiện trên khắp cả nước, trở thành những điểm sáng của cơ sở trong triển khai công tác PBGDPL.
“Tại Bộ Quốc phòng có mô hình mỗi ngày một điều luật được áp dụng trong toàn quân. Một số tỉnh, TP đã phát huy sức mạnh ở các mạng viễn thông để gửi tin nhắn thông tin pháp luật, triển khai các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tấn báo chí xây dựng rất nhiều chuyên trang chuyên mục tuyên truyền pháp luật, chuyên mục hỏi đáp pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức hàng tuần, hàng tháng ở nhiều cơ quan đơn vị…” - ông Lê Vệ Quốc thông tin.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong công tác PBGDPL, đó là quan tâm tới đối tượng thanh, thiếu niên. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Ban Nội chính T.Ư) Nguyễn Uyên Minh, để nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên, nhà trường cần phải đổi mới những hình thức tuyên truyền PBGDPL thiết thực hơn gắn với thực tiễn, xuất phát từ giáo dục đạo đức, lối sống văn minh.
Thầy cô phải là tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện và chấp hành pháp luật. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ cũng nên làm gương trong vấn đề thực hiện pháp luật, đồng thời tích cực giáo dục con cái về ý thức chấp hành pháp luật…
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, công tác PBGDPL luôn bám sát kế hoạch của T.Ư và TP. Việc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được TP tiếp tục tăng cường. Nhiều mô hình hay tiếp tục được duy trì như Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Hội Nông dân với pháp luật, thanh niên với pháp luật, nhóm nòng cốt, Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý, Tổ dân phố điện tử tuyên truyền về pháp luật.
Thành ủy, UBND TP, chính quyền từ cấp huyện đến cấp xã ngày càng quan tâm hơn công tác hòa giải; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được ổn định. Mô hình Tổ hòa giải “5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn…
Để phát huy kết quả đạt được, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đề nghị, thời gian tới Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL, nội dung và hình thức thực hiện thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của TP.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP sẽ chấm điểm thi đua các đơn vị triển khai, tạo cơ sở pháp lý đưa công tác PBGDPL ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, tạo ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.q