Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Covid-19: Thế giới có thêm gần 200.000 ca mắc mới, WHO cảnh báo tốc độ lây lan “đáng quan ngại”

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhhtedothi - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 195.540 ca mắc Covid-19 và 4.930 ca tử vong, trong khi đó WHO tiếp tục cảnh báo tốc độ lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2.

Tính đến sáng 3/7, dịch Covid-19 đã tấn công 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng số người mắc bệnh hiện là 10.967.711, trong đó bao gồm 523.127 ca tử vong, theo số liệu thống kê của trang Worldometers.
 Thế giới có thêm gần 200.000 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua.
Đa số ca mắc mới được ghi nhận tại Mỹ (50.492 ca), Brazil (43.489 ca) và Ấn Độ (21.948 ca). Đây là ba nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới.
Về số ca tử vong, Brazil đứng đầu thế giới với 1.171 ca tử vong trong 24 giờ qua, tiếp đó là Mexico với 741 ca, Mỹ với 615 ca và Ấn Độ với 377 ca. Xét về tổng số người chết vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới.
Thế giới có trên 6,1 triệu người khỏi bệnh, nhưng vẫn còn trên 58.000 người trong tình trạng nguy kịch.
WHO cảnh báo tốc độ lây lan, đề cao chiến thuật xét nghiệm
Có thể thấy rõ đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trên toàn cầu với số ca nhiễm hằng ngày liên tục ở mức trên 160.000 trong một tuần qua. Đặc biệt, số ca nhiễm trong một tháng qua chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra những con số thống kê trên trong bài phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ cảnh báo về tình trạng lây lan mạnh của dịch Covid-19 hiện nay. 
 Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa tiếp tục cảnh báo về tốc độ lây lan chóng mặt của dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê của WHO, trong ngày 28/6 vừa qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát, với trên 189.500 ca. Trước ngày 25/6, thế giới chỉ có hai lần ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày vượt 160.000 ca, và cho đến ngày 18/5, số ca nhiễm hằng ngày chưa vượt qua con số 100.000. 
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để kiềm chế dịch bệnh là thực hiện xử lý toàn diện, theo đó phát hiện, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc từng ca bệnh; truy vết và cách ly tất cả những người có tiếp xúc người nghi ngờ nhiễm.
Theo ông Tedros, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp này để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tổng giám đốc WHO khẳng định những nước triển khai rộng rãi các biện pháp này đã khống chế được dịch bệnh và cứu sống được nhiều người. 
Ông Tedros cho biết trong tuần này, trên 1.000 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia thảo luận một loạt nghiên cứu về Covid-19, bao gồm nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh và phương thức chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Các bang ở Mỹ tăng cường biện pháp ứng phó dịch bệnh 
Mỹ hiện ghi nhận trên 2,8 triệu ca Covid-19 và trên 131.000 ca tử vong. Trong bối cảnh Mỹ ngày 1/7 ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ cao chưa từng có: trên 52.000 trường hợp, nhiều địa phương của nước này đã tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. 
Chính quyền bang California đã công bố một số biện pháp mới ứng phó với dịch bệnh Covid-19, theo đó cấm các hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng và một số cơ sở khác tại 19 hạt trong vòng 3 tuần. Quy định này ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70% dân số của bang California. Bang này cũng quyết định đóng cửa tất cả các bãi biển, tương tự bang Florida.
Các biện pháp trên có thể ảnh hưởng đến các sự kiện mừng Quốc khánh Mỹ (4/7). Nhiều thị trấn, TP trên khắp nước Mỹ cũng đã quyết định hủy các chương trình diễu hành truyền thống và bắn pháo hoa, tránh tụ tập đông người nhằm ngặn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. 
Tại TPNew York, Thị trưởng Bill De Blasio đã quyết định tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các nhà hàng dự kiến được thực hiện vào tuần tới. Ông khẳng định chưa đến lúc mở cửa lại dịch vụ này. 
Theo kế hoạch, New York bước vào giai đoạn 3 mở cửa vào ngày 29/6, tuy nhiên, giới chức TP  đã tạm hoãn do lo ngại sự gia tăng các ca nhiễm mới ở nhiều địa phương khác có thể làm phức tạp tình hình dịch bệnh tại New York. 
Hiện các bang New York, New Jersey và Connecticut áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với người đến từ 16 bang chủ yếu ở phía Nam và Tây Nam nước Mỹ. Người vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt 2.000 USD cho lần đầu vi phạm và 5.000 USD cho lần vi phạm thứ 2, cùng với việc phải tự chi trả các chi phí trong thời gian cách ly. 
Dịch bệnh Covid-19 đang lây lan mạnh tại các khu vực miền Nam nước Mỹ, trong đó các điểm nóng là các bang Texas, Florida và Arizona.
Trước đó, ngày 30/6, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci cảnh báo số ca nhiễm trong ngày tại Mỹ có thể tăng gấp đôi lên 100.000 ca nếu nhà chức trách và người dân nước này không thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Số người mắc Covid-19 tại Tokyo tăng lại ở mức 3 con số
Tính đến chiều 2/7, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ghi nhận 107 người nhiễm Covid-19 mới. Đây là số người nhiễm nhiều nhất trong một ngày kể từ khi bãi bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 25/5.
Như vậy, sau đúng 2 tháng, số người nhiễm mới tại Tokyo tăng trở lại 3 con số. Số ca nhiễm nhiều nhất trong một ngày là ngày 17/4 với 206 người.
Bắt đầu vào tháng 6 số người nhiễm bệnh có xu hướng gia tăng trở lại. Từ ngày 24/6 tới nay đều vượt mức 50 ca/ngày, trong vòng 3 ngày nay vượt mức 60 ca/ngày.
 Số người nhiễm Covid-19 tại Tokyo tăng lại ở mức 3 con số.
Tổng số người nhiễm tại Tokyo đến nay đã lên tới 6.399 người. Trong số người nhiễm mới chủ yếu tập trung ở giới trẻ có độ tuổi từ 20-30, và những người này đã tụ tập tại khu vui chơi giải trí ban đêm có ở Shinjuku và Ikebukuro.
Thị trưởng Tokyo cho rằng đây là tình trạng đáng lo ngại. Hiện tại đã tiến hành kiểm tra nhiều nhóm người, và số người dương tính với virus có khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Chính quyền Tokyo sẽ hết sức để ngăn chặn bệnh dịch lây lan và tiếp tục tăng cường hệ thống y tế. Chiều tối nay, Tokyo sẽ có cuộc họp khẩn cấp về tình hình dịch bệnh.
Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Y tế và Lao động Kato Katsunobu cho biết trong trường hợp số người lây nhiễm tiếp tục tăng, ngoài Tokyo, chính phủ Nhật Bản sẽ có những biện pháp cần thiết nhằm ứng phó với dịch Covid-19.