Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CSI 2022 giúp môi trường kinh doanh ổn định, bền vững cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/5, Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022 (CSI 2022) chính thức được phát động, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp triển khai thành công ngay cả trong điều kiện khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Năm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam - VBCSD) tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ TN&MT và Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Chương trình CSI 2022 nhằm đánh giá, tập hợp và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế - xã hội - môi trường.

Toàn cảnh lễ phát động. Ảnh: Hoàng Anh
Toàn cảnh lễ phát động. Ảnh: Hoàng Anh

Lễ phát động CSI 2022 thu hút sự tham gia đông đảo của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp, 100 đại biểu tham dự trực tuyến từ các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp.

Kim chỉ nam cho phát triển

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch VBCSD nhận định, qua 2 năm dịch bệnh dai dẳng, cộng đồng doanh nghiệp đã "chiêm nghiệm" rõ rệt hơn vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững.

Đó không chỉ là kim chỉ nam cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò là “cái neo” để trụ vững, và là “bánh lái” để doanh nghiệp thích ứng, phục hồi khi đối mặt với những “cơn sóng thần” khủng hoảng. Bên cạnh việc tuân thủ chính sách pháp luật của các cơ quan quản lý, việc theo đuổi và thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp giờ đây được thôi thúc bởi chính nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng thu nhập, dân trí và hội nhập quốc tế, người tiêu dùng Việt Nam đã có nhận thức và trách nhiệm cao hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ là kết quả của quá trình sản xuất, kinh doanh xanh. Do đó, kinh doanh bền vững chính là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó mang lại lợi ích dài hạn cho chính doanh nghiệp.

Tại lễ phát động, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie chia sẻ, Chính phủ Australia rất hân hạnh hỗ trợ Ủy ban quyền con người Australia và VCCI, trong việc phát triển chỉ số mới về kinh doanh có trách nhiệm, quyền con người trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI năm 2022.

Các doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tôn trọng quyền tại các doanh nghiệp của mình và rộng hơn là trong cộng đồng. Đây là yếu tố thiết yếu để tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, ổn định và bền vững.

Nhiều điểm mới trong CSI 2022

Đại diện Ban tổ chức, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SDforB) Nguyễn Tiến Huy giới thiệu chi tiết về Chương trình, cũng như những điểm mới của Bộ chỉ số CSI 2022. Năm nay, Bộ chỉ số CSI tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Với 130 chỉ số, Bộ chỉ số CSI 2022 được chia thành 5 phần: Tổng quan doanh nghiệp; Kết quả hoạt động kinh tế - môi trường - lao động, xã hội chính; Chỉ số quản trị; Chỉ số môi trường; Chỉ số lao động - xã hội.

Căn cứ xây dựng Bộ chỉ số CSI 2022 dựa trên Luật Lao động sửa đổi 2019 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021; Luật Môi trường 2014 và một số điều khoản trong Luật Môi trường sửa đổi năm 2020 có liên quan đến các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu, cam kết quốc gia tự nguyện NDC COP21 và COP26; Tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững GRI và ESG; tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội ISO 26000; các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…

Các chỉ số liên quan đến chống phân biệt đối xử, phát triển đa dạng, bao trùm, thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng các quyền con người; kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp (không bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng); chuyển đổi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; hay liên quan đến quản lý chất thải rắn trong công nghiệp cũng được lồng ghép đậm nét và rõ ràng trong Bộ chỉ số CSI 2022.

Với 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, 32% chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững, Bộ chỉ số CSI được đánh giá là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững rất khoa học và thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. CSI có thể hỗ trợ hiệu quả công tác lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh; rà soát các lỗ hổng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn và nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh mới.

Năm 2022, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực thông qua hình thức nộp hồ sơ trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm khác biệt so với các năm trước, việc quy định doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ trực tuyến giúp tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính minh bạch, khách quan cho cả doanh nghiệp và hội đồng xét duyệt trong quá trình kê khai và xét duyệt hồ sơ.

Ngoài việc đánh giá và công bố 100 doanh nghiệp bền vững, Chương trình CSI 2022 cũng xây dựng những hạng mục giải để biểu dương những doanh nghiệp có thành tích tốt trong thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc; kinh doanh có trách nhiệm về quyền con người và quyền trẻ em.

Với chủ đề “Lồng ghép kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người vào phát triển bền vững trong kinh doanh”, bà Nicole D’souza - Cán bộ cao cấp quan hệ quốc tế (Ủy ban Quyền con người Úc) chia sẻ, Ủy ban quyền con người Úc đã hỗ trợ kỹ thuật cho VCCI trong việc rà soát, đánh giá Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững nhằm đưa chỉ số mới về kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người.

“Chúng tôi đánh giá cao chỉ số mới này, phù hợp với Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người. Chắc chắn sẽ khuyến khích doanh nghiệp nhận thức và hành động nhiều hơn để tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người như được nhấn mạnh và kêu gọi trong Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người" - vị này nói.

Theo Giám đốc điều hành Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) Đinh Thị Thu Hoài, bên cạnh những chỉ số hiện có về chính sách đa dạng giới trong ban lãnh đạo, quy định không phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng, lựa chọn, bổ nhiệm và thăng chức, chương trình đào tạo, kèm cặp cán bộ lãnh đạo nữ…, năm nay bộ chỉ số có nhiều tiêu chí mới liên quan đến chế độ làm việc linh hoạt, chính sách bình đẳng về thu nhập, hỗ trợ chăm sóc con cho người lao động… Đây là bước tiến quan trọng thể hiện nỗ lực của cả VBCSD và VBCWE trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu về lao động, hướng đến thu hút, giữ chân nhân tài và phát triển bền vững.