Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cú hích cho thị trường taxi

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Hà Nội là một cú hích quan trọng, tạo động lực cho sự thay đổi về chất đối với xe taxi nói chung và được lợi nhiều nhất chính là người dân.

Taxi thuần điện Xanh SM đã chính thức đi vào hoạt động, mang đến cho người dân Hà Nội một lựa chọn thú vị và mới mẻ.

Taxi thuần điện Xanh SM chính thức đi vào hoạt động, mang đến cho người dân Hà Nội một lựa chọn thú vị và mới mẻ. Ảnh Phi Long
Taxi thuần điện Xanh SM chính thức đi vào hoạt động, mang đến cho người dân
Hà Nội một lựa chọn thú vị và mới mẻ. Ảnh Phi Long

Khác với taxi truyền thống hay xe công nghệ, tài xế của Xanh SM được trang bị kỹ năng giao tiếp rất tốt, lịch sự và văn minh đến mức không ít người thấy bỡ ngỡ.

Lâu nay, hành khách chưa lần nào bước lên xe mà dám chắc mình được chào đón, hỏi han, ân cần và quan tâm dù họ sử dụng loại hình taxi nào. Có thể thấy hãng taxi thuần điện đã nhận thức rõ điều còn thiếu của xe taxi nói chung và tập trung vào chiến lược kinh doanh lấy chất lượng làm đầu.

Mặt khác, sự ra đời của taxi điện Xanh SM trong bối cảnh hiện nay cũng là một lợi thế. Trước họ, nhiều hãng taxi công nghệ đã phải tiêu tốn cả triệu đô la để tạo thành thói quen gọi xe qua ứng dụng điện tử cho hành khách. Còn taxi truyền thống chật vật sau đại dịch Covid-19, nay số lượng giảm còn một nửa, chất lượng phục vụ chưa được đánh giá cao, trong khi chi phí bỏ ra khá lớn.

Taxi Xanh SM ngay khi “chào sân” đã áp dụng cả ba loại hình đặt xe: Qua ứng dụng điện tử, qua tổng đài và gọi trực tiếp trên đường. Xe điện không tốn kém chi phí nhiên liệu hàng ngày như xe xăng; hơn nữa, nhà sản xuất xe tự đưa phương tiện của mình vào làm dịch vụ đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ, là nguồn lực để tái đầu tư vào nhân sự, công nghệ, duy trì chất lượng dịch vụ vượt trội.

Lúc này các hãng taxi truyền thống và cả công nghệ tại Hà Nội không nên đặt câu hỏi: Miếng bánh thị phần có bị chia nhỏ hay không? Mà câu hỏi thiết thực hơn là: Liệu họ có giữ nổi thị phần không hay dần dà sẽ bị taxi điện Xanh SM lấn át và đẩy vào thế khó khăn?

Công bằng mà nói, taxi điện Xanh SM có tiềm lực hơn, đầu tư mạnh mẽ hơn, định hướng chiến lược kinh doanh chuẩn xác hơn, hướng đến khách hàng một cách rõ ràng và quyết tâm hơn hẳn. Nếu họ duy trì được bài bản như hiện nay, cộng với hệ thống sản xuất phương tiện tự có, nguồn vốn dồi dào, vài năm tới có thể có đến cả chục nghìn chiếc taxi điện Xanh SM tràn ngập Hà Nội và cả các đô thị khác.

Taxi truyền thống và công nghệ đang đứng trước thách thức rất lớn và muốn tồn tại đòi hỏi họ phải tự thay đổi mình, định hướng lại chiến lược kinh doanh. Trong thời đại này không chỉ rẻ, tiện, mà còn phải vừa rẻ, vừa tiện, vừa đẹp, vừa hài lòng khách hàng. Ngay cả khi giá cước của taxi Xanh SM có cao hơn chút đỉnh, người dân đô thị cũng sẽ không ngần ngại lựa chọn, bởi đơn giản nó đem lại cho hành khách cảm giác thoải mái và đáng tiền.

Về phần mình, hãng taxi thuần điện Xanh SM đã mang đến một trải nghiệm mới, với cảm nhận ban đầu là sự hài lòng, gần gũi thân thiện với môi trường nên giành được sự ủng hộ của cả người dân lẫn chính quyền đô thị. Đây cũng là xu hướng của xã hội văn minh, là lựa chọn thông minh của DN trong chiến lược kinh doanh ở một thị trường nhiều tiềm năng là vận tải hành khách trong một đô thị đặc biệt như Hà Nội.