Chiều nay (19/6), Chủ tịch HĐND TP-Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng tổ ĐB Quốc hội TP tại đơn vị bầu cử số 3 đã có buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với các cử tri quận Cầu Giấy.
Tại đây, cử tri quận thể hiện phấn khởi trước kết quả của Kỳ họp, kết quả phát triển KT-XH của đất nước 6 tháng qua, song cũng phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề không chỉ trong đời sống dân sinh mà còn đề nghị không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đáng chú ý, cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch) bày tỏ trăn trở về công tác ban hành luật, bởi nhiều luật sau vài năm lại phải sửa, thậm chí luật ra rồi nhưng mãi chưa có nghị định thì đã phải sửa. “Pháp luật phải mang tính ổn định, nếu không tồn tại được quá một nhiệm kỳ thì rất khó vào cuộc sống”, ông Can nói.
Đề cập đến phần mềm quản lý thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cử tri này cũng rất bức xúc vì 2-3 năm nay có nhiều sai sót mà chưa được sửa, nhiều người dân nộp thuế rồi nhưng cơ quan quản lý lại bảo chưa nộp; trong khi nhiều cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ này thì không bị nêu tên, mà đây cũng chính là một hình thức gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Đại diện cử tri phường Quan Hoa, ông Phùng Phương Đông cho rằng, hàng loạt dự án đầu tư kéo dài thời gian mà không hiệu quả, nhất là trong ngành giao thông, xây dựng, nên Quốc hội cần có cách quản lý, giám sát chặt chẽ hơn. Như nhiều dự án xây dựng trạm thu phí không hợp lý, trước khi xây dựng không xin góp ý của người dân và sau quá trình vận hành có ý kiến người dân thì lại điều chỉnh; nhiều nhà đầu tư xây dựng quá nhiều chung cư trên các tuyến phố với mật độ dày đặc, khiến người dân lo ngại về công tác phòng cháy chữa cháy… “Khi xảy ra sai phạm, phải truy trách nhiệm cá nhân đến cùng mới đủ sức răn đe, tránh “hòa cả làng””, ông Đông đề nghị.
Cùng quan điểm cần nâng cao hiệu lực giám sát, tăng tính quyết liệt trong hoạt động của Quốc hội, cử tri Đinh Văn Thiệp (phường Mai Dịch) cũng kiến nghị Quốc hội sớm ban hành cơ chế chính sách khuyến khích nhiều DN tư nhân đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó nên có riêng nghị quyết.
Ông Trần Đình Côn (phường Nghĩa Đô) thì đề nghị Quốc hội tăng vai trò giám sát việc đưa luật vào cuộc sống, để tránh ban hành rất nhiều luật nhưng là “luật trên trời”, đồng thời khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Cần cơ chế mạnh để những người không nghe lệnh của cấp trên phải bị kỷ luật; thay thế ngay những người năng lực quá kém. “Tình trạng chung hiện nay vẫn là thương nhau, ngại nhắc nhau”, ông Côn thẳng thắn.
Ngoài ra, cử tri Phùng Thị Thái (phường Nghĩa Đô) đề nghị ĐB Quốc hội có ý kiến để khi Nhà nước lấy đất làm dự án thì quan tâm dành đất cho những địa bàn dân cư chưa có nơi hội họp, bởi hiện nhiều tổ dân phố không có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt tối thiểu 30m2.
Chủ tịch HĐND TP-Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp thu các ý kiến của cử tri. |
Trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến tâm huyết của cử tri quận Cầu Giấy đã đóng góp thẳng thắn cho hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP-Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh: Ý kiến của cử tri về tình trạng tuổi thọ nhiều luật không dài là rất xác đáng, cũng là điều trăn trở của nhiều ĐB; tổ ĐB sẽ phản ánh lại tới Quốc hội.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng luật luôn rất thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, kể cả tham khảo các chuyên gia, các nước, bàn đi tính lại…, song khi luật được ban hành có khi lại phát sinh nhiều tình huống trong cuộc sống, nên trở nên không còn phù hợp, lại phải sửa đổi. Đồng thời, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP khẳng định sẽ sớm có giải pháp đổi mới ngay từ hoạt động của đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội.
Với các ý kiến khác của cử tri, như về công tác di dời trụ sở cơ quan bộ, ngành, đồng chí cho biết: Quốc hội vừa kiểm điểm về vấn đề này, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, kế hoạch cụ thể và sẽ tiếp tục đôn đốc. Trước phản ánh về lỗi kéo dài trong phần mềm quản lý thu thuế, đồng chí đề nghị Sở Tài chính cho kiểm tra ngay tại Hà Nội, nếu có hiện tượng này thì phải khắc phục sớm.