Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục Quản lý tài nguyên nước: Nguồn nước đảm bảo cung cấp cho Đà Nẵng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Châu Trần Vĩnh khẳng định, nguồn nước thô đảm bảo cung cấp cho Đà Nẵng không thiếu. Vấn đề thiếu nước sạch của Đà Nẵng nằm ở giải pháp khai thác chưa được hợp lý.

 Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh (thứ hai phải sang) kiểm tra tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ.
Do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn

Sáng 15/11, ông Châu Trần Vĩnh dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), Công ty khai thác thủy lợi Đà Nẵng, các thủy điện trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng gồm: Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh và A Vương cùng những đơn vị liên quan về tình hình khai thác, sử dụng nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ.

Thông qua đó nắm bắt tình hình nhiễm mặn sông Cầu Đỏ, việc vận hành hệ thống các hồ chứa thủy điện, hệ thống đập dâng An Trạch. Những vấn đề này liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch của Đà Nẵng trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ TN&MT, ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch cho người dân TP Đà Nẵng thời gian vừa qua do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, trong khi công suất bơm của trạm bơm An Trạch không đủ đáp ứng.

“Khi nước ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn thì cửa thu nhà máy Cầu Đỏ buộc phải đóng, khi đó nguồn nước thô được bơm về từ An Trạch. Cụm nhà máy đang khai thác vận hành tại nhà máy nước Cầu Đỏ là 240.000m3/ngày đêm, nhưng hệ thống ống trạm bơm An Trạch chỉ thiết kế 210.000m3/ngày đêm. Vì thế, cộng công suất những nhà máy nhỏ khác trên địa bàn cũng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của toàn TP”, ông Hồ Hương thông tin.

Ông Hồ Hương cho biết thêm, theo giấy phép thì bắt đầu từ ngày 1/1/2023, lượng nước khai thác lớn nhất tại Cầu Đỏ lên 300.000m3/ngày đêm. Trước nhu cầu phát triển của Đà Nẵng thì dự kiến sắp tới sẽ thiếu nước, do đó Dawaco đang triển khai dự án mở rộng cấp nước tại Cầu Đỏ thêm 12.000m3/ngày đêm. Trước mắt, Dawaco đang xây dựng cụm phân kỳ I với công suất 60.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 1/7/2019. Sau đó, sẽ tiếp tục đầu tư phân kỳ II với 60.000m3/ngày đêm và dự kiến đưa vào khai thác vào ngày 1/1/2023.
Cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ
Nguồn nước đảm bảo, chỉ vì giải pháp khai thác!

Để làm rõ hơn về nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước của Đà Nẵng trong thời điểm bị nhiễm mặn, ông Châu Trần Vĩnh yêu cầu đại diện các thủy điện liên quan báo cáo tình hình phối hợp và xả nước cho hạ lưu.

Đại diện thủy điện Đăk Mi 4 khẳng định đã thực hiện xả nước về hạ du, dù hồ chứa hiện đang dưới mực nước chết 0,6m. Trong khi đó, đại diện thủy điện A Vương cho biết đã có trao đổi với Dawaco và đã vận hành xả nước dù dưới mực nước chết. Thủy điện Sông Bung 4 cũng khẳng định, sau khi biết tình hình thiếu nước của Đà Nẵng thì đã phát trở lại từ 14/11.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng cho biết, theo số liệu lấy tại Công ty khai thác Thủy lợi Đà Nẵng thì đúng là mực nước trên thượng lưu đập dâng An Trạch luôn cao hơn 1,4m - mực nước đảm bảo cho trạm bơm phòng mặn An Trạch của Dawaco hoạt động. Tuy nhiên, có một số thời điểm mực nước cũng xuống thấp và đặc biệt độ mặn ở Cầu Đỏ tăng cao, đó là nguyên nhân dẫn đến nguồn đầu vào cho hai nhà máy xử lý nước Cầu Đỏ và Sân Bay bị hụt.

Sở TN&MT TP Đà Nẵng khẳng định thường xuyên liên lạc với lãnh đạo các thủy điện trên thượng lưu ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, trao đổi các thông tin về tình hình nước với Dawaco để có những biện pháp đề xuất với nhà máy thủy điện, Bộ TN&MT để điều tiết nguồn nước. Hiện nay, vấn đề thiếu nước của Đà Nẵng cần xem xét lại đường ống từ trạm bơm An Trạch.

Sau khi nghe các bên liên quan báo cáo, ông Châu Trần Vĩnh kết luận: “Như vậy, có thể khẳng định nguồn nước đảm bảo cung cấp cho Đà Nẵng chứ không thiếu. Vấn đề thiếu nước sạch của Đà Nẵng nằm ở giải pháp khai thác chưa được hợp lý. Cụ thể, liên quan đến giải pháp vận hành của nhà máy”.

Ông Vĩnh khẳng định thêm, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, các hồ chứa thủy điện dù trong hoàn cảnh nào mà nhu cầu nước sinh hoạt của người dân cấp thiết cũng phải có giải pháp xả cho hạ lưu.
Nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán 

Tại buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh nhận định mùa lũ năm nay rất đặc biệt. “Hiện nay, tất cả lưu lượng, dung tích cả hồ thủy lợi thấp hơn 70-80%. Nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Vì vậy 4 hồ chứa lớn (Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh và A Vương) phải hết sức lưu ý, phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam, Đà Nẵng; phải chủ động có phương án tích nước dài hơi”.