Đã đến lúc quét sạch... tin nhắn rác?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tin nhắn rác, cuộc gọi rác diễn ra hàng ngày đã trở thành nỗi ám ảnh, chán ghét cùng cực của những người sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, từ ngày 1/10 tới, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực thi hành được xem là công cụ quan trọng nhằm chặn đứng vấn nạn này.

Vấn nạn tin nhắn rác ngày càng nhiều. Ảnh: Chiến Công
Người dùng liên tục bị quấy rối
Nhiều người sử dụng điện thoại di động cảm thấy hết sức phiền lòng, liên tục bị quấy rối khi mỗi ngày nhận trung bình từ 5 - 7 tin nhắn, cuộc gọi rác từ các đầu số dịch vụ của chính nhà mạng, thậm chí là các đầu số thuê bao cá nhân. Mục đích các tin nhắn, cuộc gọi rác để quảng cáo, giới thiệu các dịch vụ ưu đãi 3G, game, xổ số, bất động sản, làm đẹp, bán sản phẩm, giới thiệu bảo hiểm nhân thọ, đến việc cầm cố, cho vay, thu hồi nợ, gia sư…
“Tôi dùng 3 điện thoại, có số di động chỉ hạn chế liên lạc nội bộ với thành viên trong gia đình, nhưng không hiểu sao tôi luôn nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác, cả với số di động hạn chế sử dụng. Vì dùng tới 3 số điện thoại, tần suất nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác quấy rối khiến tôi cảm thấy khó chịu, phiền toái, nhất là lúc đang stress với công việc vô cùng mệt mỏi, căng thẳng” - chị Nguyễn Hoài Thanh (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Nguyễn Khắc Lịch, nhiều khách hàng phản ánh cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác xuất hiện ngày càng nhiều gây bức xúc cho người dùng, trong đó có cả những cuộc gọi lừa đảo, trừ cước. Nhưng trước đây chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định với đối tượng này. Vì vậy, trong Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về cuộc gọi rác. Nghị định đã quy định khái niệm cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác và biện pháp quản lý với đối tượng mới này, qua đó lấp được lỗ hổng thiếu quy định về ngăn chặn cuộc gọi rác.
Từ ngày 1/10 tới, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành được xem là công cụ quan trọng nhằm chặn đứng những vấn nạn đã hành hạ người dùng điện thoại từ nhiều năm nay; đồng thời làm lành mạnh thị trường viễn thông trong nước.
Biện pháp quản lý chặt hơn
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho hay, tin nhắn rác trước đây được định nghĩa theo Nghị định số 90/2018/NĐ-CP là tin nhắn được gửi đến người nhận mà người đó không mong muốn. Định nghĩa này gây ra nhiều sự hiểu lầm. Ví dụ, một người nhắn tin cho nhiều người mời đến khai trương cửa hàng. Có thể có những người không thích tin nhắn này, không mong muốn nhận tin nhắn này, nếu vậy theo định nghĩa thì cũng có thể hiểu đó sẽ được coi là tin nhắn rác. Nhằm khắc phục vấn nạn này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, nghị định mới đưa ra các biện pháp quản lý mới nhằm hạn chế tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Trong đó, công cụ đầu tiên phải kể đến là đưa ra “định nghĩa mới” về tin nhắn rác.
Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định rất rõ ràng về tin nhắn rác như sau: Tin nhắn quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo tại Nghị định này; Tin nhắn vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng.
“Quy định khái niệm về tin nhắn rác rất quan trọng để có thể phân biệt và dễ dàng xử lý vấn đề này. Chúng ta có thể thấy Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định cụ thể hơn rất nhiều chi tiết về định nghĩa cũng như là cách thức phân biệt. Với Nghị định mới này cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT trong thời gian tới, các tin nhắn, cuộc gọi rác và thư điện tử rác sẽ được giải quyết triệt để. Nghị định mới sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tin nhắn rác được thực hiện dễ dàng và việc triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác của các DN viễn thông được thuận lợi, đồng bộ hơn và người dân cũng hiểu rõ và nhận dạng tin nhắn rác được dễ dàng hơn, khắc phục tốt hơn thời gian tới ” - luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận xét.
Ngăn chặn triệt để vấn nạn
Theo các chuyên gia pháp luật, nguyên nhân của thực trạng tin nhắn, cuộc gọi rác, một phần do công tác quản lý còn buông lỏng, dẫn đến việc sim rác vẫn còn được bán tràn lan và dễ dãi. Một số DN, cá nhân hiện vẫn dùng sim rác để thực hiện dịch vụ quảng cáo, thậm chí lừa đảo. Việc truy vết ra các đối tượng thực hiện dù có thể làm được nhưng không dễ dàng với cơ quan chức năng. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo qua mạng rất tinh vi, xảo quyệt. Thậm chí, thủ đoạn của chúng là dùng công nghệ số, để giả danh các số điện thoại của bưu chính, bưu điện, rồi là mã số hoá đầu 069 của Bộ Công an. Chúng gọi điện đến người dân, để lừa đảo… Nhiều quy định trước đây vẫn chưa đủ sức răn đe quyết liệt với các nhà mạng, DN, cá nhân quảng cáo.
Các quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP hết sức cần thiết, không chỉ tăng trách nhiệm bảo mật thông tin, mà còn tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc giám sát các DN, cá nhân quảng cáo; ngăn chặn và xử lý dứt điểm tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Mức phạt lần này tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP cho thấy, sự mạnh tay, quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Khung hình phạt của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP và các giải pháp kỹ thuật hiện đại được kỳ vọng sẽ ngăn chặn được vấn nạn tin nhắn rác.
Đối với người quảng cáo thì phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng với một trong các hành vi thực hiện quá một cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ; gọi điện thoại quảng cáo ngoài thời gian từ 8 - 17 giờ hàng ngày mà không có thỏa thuận của người sử dụng. Đặc biệt, phạt tiền lên tới 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Đối với nhà cung cấp dịch vụ mạng không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, điện thoại quảng cáo; không thu hồi địa chỉ điện tử dùng để phát tán tin rác thì có thể bị phạt tiền từ 140 - 170 triệu đồng.
Thống kê của cơ quan quản lý nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, có đến gần 22.000 lượt khách hàng phản ánh về tin nhắn rác quấy nhiễu.

Nghị định số 91/2020/NĐ-CP không chỉ bảo vệ người dùng trước tin nhắn, cuộc gọi rác mà còn tạo cơ sở cho DN, tổ chức thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng pháp luật và thúc đẩy kinh tế, giúp cho người quảng cáo gặp được đúng nhu cầu cần tiếp nhận quảng cáo của khách hàng.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Nguyễn Khắc Lịch

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần