Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã di chuyển 58 cây hoa sữa trên phố Trích Sài về bãi rác Nam Sơn

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, quận Tây Hồ đã tiến hành di chuyển 58 cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài về trồng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn.

Chiều 23/7, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo quận Tây Hồ đã thông tin về việc di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài, phường Bưởi.
 Hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ
Cụ thể, trên vỉa hè tuyến đường Trích Sài có tổng cộng 102 cây hoa sữa được trồng từ năm 2014. Qua thời gian dễ cây nổi gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè. Ngoài ra, vào mùa hoa sữa nở rộ, mùi hương ngào ngạt và nồng nặc đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Do vậy, nhân dân đã nhiều lần có ý kiến về việc di chuyển hàng cây hoa sữa này.
Từ cuối năm 2018, quận Tây Hồ đã có văn bản báo cáo và đề xuất Thành phố việc chuyển hàng cây hoa sữa này. Đến đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đồng ý.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ đã kết hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng để đề xuất phương án di chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài.
Theo đó, phương án dự kiến sẽ di chuyển gần 96 gốc hoa sữa trên phố Trích Sài (gần hồ Tây) về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Quận Tây Hồ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, duy trì 2 năm, bảo đảm các cây hoa sữa này sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ bàn giao cho đơn vị vận hành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn quản lý.
Quận Tây Hồ đã tiến hành họp công khai lấy ý kiến nhân dân phường Bưởi về việc chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài và 100% người dân tham gia cuộc họp đều đồng tình, ủng hộ.
Đến nay, quận Tây Hồ đã tiến hành di chuyển 58 cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài về trồng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Tại vị trí các cây hoa sữa đã di chuyển, quận Tây Hồ đang tổ chức thực hiện việc chỉnh trang, cải tạo hạ tầng, tổ chức lát lại vỉa hè và báo cáo, đề xuất với Thành phố và Sở Xây dựng việc trồng cây thay thế bảo đảm đúng chủng loại cây xanh đô thị, phù hợp với khu vực này.
Trả lời câu hỏi của báo chí quan tâm liên quan đến các vấn đề chi phí di dời hàng cây hoa sữa? Quận Tây Hồ dự kiến sẽ trồng cây gì thay thế? Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, về chi phí di dời cây hoa sữa, UBND quận Tây Hồ sẽ thực hiện theo đúng quy định. Việc trồng cây thay thế, quận đã trình TP 2 phương án: Phương án 1 là trồng cây hoa giáng hương, phương án 2 là trồng xen thân gỗ và muồng hoàng yến. Việc trồng cây hoa sữa trên Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, quận sẽ sớm có báo cáo đánh giá hiệu quả.