Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Da giày Việt vẫn đuối sức cạnh tranh

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ động nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, có kế hoạch dài hơi thu hút, giữ chân lao động là yêu cầu cấp bách đối với các DN da giày xuất khẩu Việt Nam nếu muốn tăng giá trị xuất khẩu, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Chất lượng và giá xuất khẩu ở mức trung bình thế giới

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 13,81 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 11,79 tỷ USD (tăng 13,3%) và vali, túi, cặp đạt 2,02 tỷ USD (tăng 20,0%) so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết, mặc dù từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu khả quan nhưng các DN đã gặp khó khăn rất lớn khi nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu và gián đoạn. Cộng hưởng với việc thiếu lao động nên kết quả sản xuất kinh doanh của ngành da giày bị ảnh hưởng không nhỏ.

Sản xuất giày da xuất khẩu. Ảnh minh họa
Sản xuất giày da xuất khẩu. Ảnh minh họa

Hiện, các mặt hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam có mức giá khoảng 16 USD, được đánh giá trung bình về chất lượng cũng như giá cả trên thị trường thế giới. Như vậy, muốn tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới, ngành da giày cần xác định phải nâng cao năng lực sản xuất, nâng chất lượng để các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao hơn. Để làm được điều này, ngành da giày cần nhập khẩu nguồn nguyên liệu có giá trị cao.

Với việc tận dụng tốt thế mạnh từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) trong xuất khẩu, ngành da giày đề xuất tiếp tục được các bộ ngành tạo điều kiện tận dụng các cơ hội trong nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các quốc gia tham gia FTA, đặc biệt là thị trường EU có những nguồn nguyên phụ liệu giá trị cao để sản xuất các mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn.

Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia đang hướng tới sản xuất bền vững và sử dụng những công nghệ xanh nên rất cần khai thác tiềm năng từ thị trường mới, phục vụ cho đổi mới công nghệ cho nhà máy sản xuất.

Từ đòi hỏi thực tiễn trên, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị các cấp, ngành sớm hình thành các cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, nhanh chóng có chính sách tận dụng, thu hút nguồn lao động nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh của các DN.

Bên cạnh đó, các DN cũng rất cần được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tái đầu tư, đẩy mạnh sản xuất; tham gia nhiều hơn vào chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ số để cải thiện năng lực quản trị, kinh doanh.

Giải bài toán thiếu nguyên phụ liệu, cạn lao động

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhiều DN Việt Nam chưa thể chủ động nguồn nguyên phụ liệu, còn tìm nguồn cung mới cũng không thể trong một sớm một chiều, do đó, vẫn phải phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc.

Thời gian tới, để không bị động về nguyên phụ liệu, không có cách nào khác là phải chủ động sản xuất trong nước. Muốn làm được điều này phải có chiến lược đầu tư và cần sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về mặt bằng, thuế, lãi suất vay thì DN mới làm được.  

Thực tế, vấn đề này đã được hiệp hội và các DN da giày nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành, Bộ Công Thương cũng có chủ trương này nhưng vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải Hiện, Việt Nam đã có vài DN nhập nguyên liệu gốc về để sản xuất phụ liệu cho ngành da giày. Do đó, về trước mắt, các DN sản xuất nguyên phụ liệu chấp nhận lời ít để có giá thành phù hợp nhằm khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước nhiều hơn. Các DN sản xuất da giày cần nỗ lực tìm giải pháp để hạn chế lệ thuộc nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nhằm chủ động sản xuất, kinh doanh.

Khuyến nghị về giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động ngành da giày, TS Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng, để giữ chân lao động cần có kế hoạch dài hơi. Điểm nghẽn lớn nhất bây giờ là chất lượng nguồn lao động. Vì vậy, phải quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại để phù hợp với sự phục hồi và mở rộng của thị trường, đồng thời, cần gắn với nhu cầu của DN, yêu cầu phát triển của ngành.

Theo TS Nguyễn Lan Hương, các DN da giày cần chủ động tăng cường lực lượng lao động đã qua đào tạo. Giải pháp cả trước mắt và lâu dài là các DN phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để đào tạo cấp tốc, đồng thời hỗ trợ chỗ ở để thu hút lao động.

Ngoài ra, các DN cần tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Thậm chí, trước khi xây dựng nhà máy, DN cần khảo sát trước nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động.

 

Hiệp hội sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm da giày, túi xách vào tháng 9/2022 và Triển lãm quốc tế ngành da giày, túi xách vào tháng 11/2022 với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương. Đây là cơ hội để các DN và khách hàng nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân