Vì sao tăng trưởng chậm?
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 11 Khóa IX, HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 – 2021, đại biểu Trần Thắng Lợi đặt câu hỏi về tình hình tăng trưởng kinh tế của TP. Theo đại biểu Lợi, GRDP 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (7,24%). Với tốc độ phát triển này rất khó đạt được tốc độ tăng trưởng theo Nghị quyết nhiệm vụ năm 2019 của HĐND TP đề ra (8,86%). Qua đó, đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cho biết nguyên nhân vì sao GRDP thấp và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Phước Sơn cho rằng, kết quả kinh tế TP 6 tháng đầu năm duy trì được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ 2018, và đạt được những kết quả khả quan trên các lĩnh vực như: Công nghiệp, dịch vụ, vốn đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP còn đạt thấp so với kế hoạch, chỉ ước tăng 6,21% (kế hoạch tăng 8,86% và thấp hơn 1% so với 6 tháng 2018 (7,24%).
Theo ông Sơn, sở dĩ GRDP thấp do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp (chiếm gần 57%) giảm như: Dệt giảm 37%, chế biến sữa giảm 20,3%, chế biến thủy sản giảm 12% và điện tử giảm 11% nên GRDP ngành công nghiệp 6 tháng chỉ tăng 5,68% (cùng kỳ 2018 tăng 9,41%). Bên cạnh đó, số ngày lưu trú của du khách giảm so với cùng kỳ và thị trường khách thượng lưu có xu hướng giảm nên doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng thấp so với lượt khách (doanh thu tăng 10,6% trong khi lượt khách tăng 19,4%).
Về chủ quan, TP đã và đang chuyển đổi tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển bền vững, xây dựng TP môi trường; điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030; rà soát, điều chỉnh quy hoạch một số khu vực ven sông, ven biển và rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch, tạm dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp, dự án gây ô nhiễm môi trường. Việc rà soát này tuy trước mắt có tác động, ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lợi ích doanh nghiệp (DN) nhưng về lâu dài TP luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt cho cộng đồng, hài hòa lợi ích giữa cộng đồng, DN và khả năng đáp ứng của TP.
Một nguyên nhân khác mà ông Sơn chỉ ra là hiện nay quỹ đất không còn nhiều, trong khi thời gian qua TP tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, chi phí đầu tư rất lớn nên quá trình xúc tiến, thu hút các dự án phải có chọn lọc, tập trung để phát huy hiệu quả đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Các dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, thông báo nghiên cứu đầu tư đều đang trong giai đoạn triển khai đầu tư nên chưa có đóng góp cho tăng trưởng, song sau khi hoàn thành các dự án này sẽ có đóng lớn cho kinh tế TP.
Một nguyên nhân đáng quan tâm là theo ông Sơn là công tác điều tra các sai phạm vẫn đang diễn ra nên có phần ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Do đó, các hồ sơ, thủ tục liên quan đến giao đất, quy hoạch, xây dựng, thực hiện nghĩa vụ tài chính… còn tồn đọng khá nhiều đã làm giảm mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế từ nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm, động lực vướng rất nhiều về thủ tục đầu tư, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng... nên triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra.
Không vì GRDP mà phát triển nóng!
Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, UBND TP Đà Nẵng đã dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 như sau: Kịch bản 1: Dự kiến GRDP 6 tháng cuối năm 2019 tăng 8,14% thì ước cả năm 2019 tăng 7,25%; Kịch bản 2: Dự kiến GRDP 6 tháng cuối năm 2019 tăng 8,45% thì ước cả năm 2019 tăng 7,42%.
Để cải thiện tốc độ tăng trưởng, ông Trần Phước Sơn cho rằng, TP cần tiếp tục thực hiện chủ trương rà soát, kịp thời điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch, nhất quán định hướng phát triển bền vững theo các mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, hướng đến xây dựng TP môi trường, văn minh hiện đại nhằm phục vụ cộng đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích DN. “Không vì chỉ tiêu GRDP mà phát triển nóng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP và các sở, ngành cần thường xuyên hơn nữa trong việc nắm bắt, hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án. TP cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế”. Các sở ban ngành phải giám sát chặt chẽ các cơ sở lưu trú, lữ hành kê khai doanh thu chưa đúng với thực tế lượt khách, ngày lưu trú; các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn.
Để huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường, các Văn phòng đăng ký đất đai, UBND các quận, huyện cần tập trung ưu tiên xử lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, cấp giấy phép xây dựng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cá nhân triển khai dự án, các công trình nhà ở, đóng góp trực tiếp vào giá trị tăng thêm ngành xây dựng và đóng góp cho tăng tưởng các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Đặc biệt, theo ông Trần Phước Sơn, để kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng tốt, TP cần phải tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc theo kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ (những sai phạm liên quan đến đất đai của Đà Nẵng) để khơi thông nguồn lực đầu tư của các cá nhân, DN và nhà đầu tư.