Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng: Sớm hoàn thành kè biển Liên Chiểu - Kim Liên

Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án Công trình kè biển Liên Chiểu - Kim Liên, và giao UBND quận Liên Chiểu làm chủ đầu tư nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực mỗi khi biển động. Tuy nhiên, công trình đã phải tạm ngưng trong thời gian dài do trong quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc.

Đẩy nhanh tiến độ công trình kè biểm Liên Chiểu - Kim Liên.
Công trình kè biển Liên Chiểu - Kim Liên do Công ty TNHH MTV 532, và Liên doanh Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Kiến Việt Hoa thi công với tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu hơn 143 tỷ đồng. Tháng 9/2016, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình với chiều dài đoạn kè là 1,5km, trong đó điểm đầu là nhà máy xi măng Hải Vân và điểm cuối tại cầu Trắng. Tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong tháng 10/2017.
Trong quá trình triển khai thi công đoạn kè theo hồ sơ phê duyệt ban đầu, khu vực từ cầu Trắng đến cảng nhà máy xi măng Hải Vân đã phát hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng từ khu vực cầu Trắng đến kho xăng dầu K83. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng quyết định tiếp tục đầu tư xây dựng bổ sung đoạn kè từ cầu Trắng đến kho xăng dầu K83 (khoảng 365m) vào dự án được phê duyệt ban đầu, với tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Ngọc Nhân - Cán bộ quản lý tại công trường, công trình đã được khởi công vài năm trước đây, tuy nhiên vẫn còn 365m chưa thể hoàn thành dứt điểm. Do đó, từ tháng 9/2018, dự án đã chính thức khởi động lại, dự kiến tháng 1/2019 xong.

Hiện, việc đóng cọc bê tông đã gần xong, tùy theo địa hình mà cọc đóng sâu hay cạn, trung bình khi đóng xuống sâu khoảng 8m. Sau khi hoàn đóng cọc sẽ tiến hành xây tường, tiếp đến đổ bệ tường và làm đường phía trên cùng.

“Việc đóng cọc là quan trọng để định hình tuyến kè, theo thiết kê mỗi cọc bê tông dài khoảng 11,7m, bệ 2,1m khoảng cách tim mỗi cọc chừng 1,5m. Khi tuyến kè hoàn thành sẽ nằm dưới cảng Liên Chiểu khoảng 5m. Hi vọng thời tiết thuận lợi công trình sẽ thực hiện đúng tiến độ, trường hợp mưa gió thì đành phải dừng lại vì sóng đánh không thể làm gì được”, ông Nhân nói.

Bà Ngô Thị Lan (83 tuổi), người dân sống trong vùng dự án cho biết: “Bao năm sống nơi này quen rồi nên không muốn di dời đi đâu. Trước đây khu vực này có sạt lở gì đâu, không biết sao kể từ khi kè phía kho xăng dầu 83 làm xong thì bên này bắt đầu sạt. Dân ai cũng lo. Bây giờ họ kè lại thì cũng mừng nhưng phải có cách đền bù hư hại nhà cửa cho dân thỏa đáng”. Còn bà Nguyễn Thị Bình (72 tuổi), một trong những hộ sống lâu năm tại tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, việc làm kè chắn là tốt nhưng quá trình thi công đóng cọc xuống gây nhiều lo ngại cho người dân, nhất là gây ảnh hưởng làm nứt tường nhà.

Về việc đền bù thiệt hại cho người dân, ông Phạm Ngọc Nhân khẳng định, trước khi triển khai thi công, ban quản lý đã họp dân, thống nhất hỗ trợ mỗi hộ trong khu vực 1,5 triệu/tháng tạm di dời ra khỏi nhà trong thời gian đóng cọc, nhưng đa số người dân nhận tiền mà không di dời, chỉ tránh xa khu vực thi công đến khi đóng cọc xong thì vào lại nhà. “Để có cơ sở đền bù thiệt hại (rạn nứt tường nhà…), trong quá trình thi công, đơn vị đã tiến hành chụp lưu giữ hiện trạng trước khi thực hiện, sau này sẽ căn cứ đền bù”, ông Nhân nói.