Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc sắc các hoạt động vui Tết Trung thu

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay nhiều hoạt động vui chơi Trung thu đang được chuẩn bị tổ chức nhằm giúp các em thiếu nhi nhiều nơi tại Hà Nội có cơ hội vui chơi, trải nghiệm.

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú

Trở lại với nhiều nét tươi mới, từ ngày 2 - 10/9, Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu 2022 với chủ đề “Đêm lung linh”. Điểm nhấn của chương trình là chiếc đèn kéo quân khổng lồ và nhiều loại đèn Trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ. Đặc biệt là một số loại đèn Trung thu đầu thế kỷ XX được làm theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi lại theo các nguồn tư liệu.

Các em nhỏ vui Trung thu tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Các em nhỏ vui Trung thu tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Là điểm đến thu hút các em thiếu nhi vào các dịp nghỉ lễ, Trung thu năm nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Trung thu: Sức sống đồ chơi dân gian” với sự tham gia của các nghệ nhân dân gian đã nhiều năm gắn bó, bảo tồn đồ chơi truyền thống cùng bảo tàng. Chương trình đem đến những trải nghiệm văn hóa thú vị qua các hoạt động gắn với chủ đề Tết Trung thu. Các bạn nhỏ được nghệ nhân hướng dẫn làm những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi, diều rô.

Không chỉ riêng ở các di tích, danh thắng ở trung tâm TP, để tạo không gian vui chơi Trung thu bổ ích, hấp dẫn cho người dân cũng như tăng sức hút cho điểm đến du lịch, Ban Quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã có kế hoạch tổ chức chương trình “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” từ ngày 8 - 10/9.

Theo đó, tối 10/9, tại sân khấu chính Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ diễn ra “Đêm hội trăng Rằm” với các hoạt động như: Biểu diễn múa lân rồng, trao giải các nội dung thi, trao tặng 30 suất quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã. Ngoài các tiết mục nghệ thuật còn có sự tham gia của NSƯT Xuân Bắc và NSND Tự Long với những màn tung hứng hài hước, dí dỏm mang đến giây phút thư giãn cho công chúng.

Cũng trong dịp này, nhiều đơn vị nghệ thuật tại Hà Nội đã lên lịch biểu diễn phục vụ thiếu nhi. Chào đón Tết Trung thu 2022, Nhà hát Múa rối Thăng Long sản xuất chương trình nghệ thuật "Thế giới của chúng em" số 3 với chủ đề "Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng". Vở diễn đưa khán giả gặp gỡ các nhân vật đặc biệt trong thế giới cổ tích của thiếu nhi như Alibaba, thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, yêu quái Bạch Cốt Tinh, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn.

Là đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên dành cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng, trong dịp Trung thu, Rạp xiếc T.Ư triển khai dự án nghệ thuật “Chúa tể rừng xanh”. Nhà hát Tuổi trẻ có chương trình "Mùa Hè yêu thương"; Nhà hát và Tổ chức sự kiện Star Galaxy tại 87 Láng Hạ đã đầu tư tổ chức chương trình thiếu nhi mới lạ và vui nhộn mang tên “Húc - Cuộc chiến thuyền trưởng” với NSƯT Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật và sản xuất.

Hướng tới giáo dục truyền thống

Theo Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục - Bảo tàng Dân tộc học An Thu Trà, hiện nay có khoảng từ 1.000 - 1.200 lượt khách tham quan mỗi ngày, dịp cuối tuần, lượng khách tham quan có thể tăng gấp đôi. Để duy trì hoạt động của bảo tàng, các cán bộ, nhân viên đã nỗ lực rất nhiều trong việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa sau dịch.

Vào dịp Tết Trung thu, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thu hút du khách và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là dịp để các cháu thiếu nhi đến bảo tàng tham quan cũng như có các hoạt động trải nghiệm thực tế, giới thiệu cách làm các món đồ chơi Trung thu truyền thống, làm con giống đất nặn, tham gia múa lân.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, trong cung đình xưa, ngày Tết Trung thu có nhiều hoạt động diễn ra. Dưới triều Lý, Trung thu là một lễ hội do nhà vua tổ chức với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn.

Thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ đạo xem phong cảnh. Đến thời Lê Trung Hưng, những mô tả lịch sử là ngày hội trong phủ Chúa Trịnh được trang hoàng lộng lẫy bằng hàng nghìn chiếc đèn tạo nên một đêm Trung thu lung linh đầy màu sắc. Trong dân gian, ngày Tết Trung thu cũng trở nên rực rỡ với tục chơi đèn, phá cỗ trông trăng.

“Nhằm phát huy văn hóa phi vật thể và tăng cường các sản phẩm du lịch đến với du khách, nhân dịp Trung thu 2022, đơn vị đã tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho các em thiếu nhi, góp phần tạo ra một sân chơi đặc sắc mang lại cho thiếu nhi Thủ đô có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử văn hóa nói chung và Tết Trung thu nói riêng” - Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết.