Đồng tình với các quan điểm, giải pháp của Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Tái cơ cấu bắt đầu từ đâu?, và theo ông, tái cơ cấu là sự thay đổi cơ cấu, hệ thống, cơ sở hạ tầng như là các doanh nghiệp, các cơ quan, các ngành, các địa phương; thay đổi quy mô tính chất đầu vào-đầu ra. Ví dụ một doanh nghiệp có thể thay đổi số lượng các phân xưởng, phòng ban; thay đổi chức năng của phòng ban trong doanh nghiệp đó là thay đổi cơ cấu.
Như doanh nghiệp có thể thay đổi cơ cấu sản phẩm của mình. Ví dụ, một xí nghiệp dệt may có thể thay đổi sản phẩm cho nam và nữ; trong nước và nước ngoài. cho người nghèo- người giàu. Đặc biệt, đầu vào thay đổi cơ cấu như vốn. Doanh nghiệp chọn con đường tăng vốn chủ sở hữu; vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn xã hội qua việc phát hành cổ phiếu. Hoặc về lao động, doanh nghiệp cũng có thể thay tỉ lệ lao động có trình độ cao, trình độ thấp; trong nước, nước ngoài; lao động nam và nữ.
Đặt câu hỏi: Vậy cái gì quyết định quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất, phải có vốn, có tiền. Coi có tiền là tiền đề quan trọng để mua đầu vào để sản xuất-bán hàng- thu lại doanh thu, có kết quả. Quan điểm thứ hai không xuất phát từ tiền mà từ phân tích thị trường, chọn sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt; từ đó thiết kế sản xuất mua đầu vào; triển khai sản xuất, bán thành phẩm, thu hồi vốn, tái đầu tư.
“Thực tế đã chỉ ra rằng có rất nhiều doanh nghiệp đã tái cơ cấu bằng vấn đề: Đã có tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ, dự án gang thép Thái Nguyên không hề thiếu vốn. Vốn ban đầu là 3600 tỉ đồng; sau đó nâng lên là 8000 tỉ đồng nhưng rồi vấn đề là vẫn không hoạt động hiệu quả. Vấn đề ở đây là gì? là phải thay đổi tư duy. Tái cơ cấu ở đây, vấn đề không phải bắt nguồn từ việc tiền ở đâu? Mà câu hỏi phải là thị trường ở đâu? Sản phẩm ở đâu?Từ đó mới đến: Người ở đâu? Tiền ở đâu và đất ở đâu?”-Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Chỉ ra tái cơ cấu doanh nghiệp khác việc tái cơ cấu một ngành như thế nào? Người đứng đầu Mặt trận phân tích: Tái cơ cấu doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi phát mệnh lệnh thì mọi cấp dưới phải thực hiện và chủ doanh nghiệp vì lợi ích của mình sẽ quan tâm đeo bám việc tái cơ cấu. Nhưng việc tái cơ cấu ngành thì không phải như vậy. Trong ngành có khâu đột phá. Ví dụ ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ có trong nước, nước ngoài nhập khẩu; có doanh nghiệp sản xuất. Ví dụ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…rồi đến khâu mua sản phẩm và bán ra thị trường. Như vậy, không có ai là chủ sở hữu của cả dây chuyền sản xuất.Và cũng không có ai có quyền ra lệnh cho cả các khâu: từ đầu vào- sản xuất- tiêu thụ.
Vấn đề ở đây là gì? Chẳng hạn, công nghiệp phụ trợ có yêu cầu phải đáp ứng nhu cầu trong nước; nhưng nếu nhu cầu đó không đủ lớn thì doanh nghiệp phụ trợ sẽ không có hiệu quả kinh tế. Họ sẽ không tham gia. Vì vậy, để tái cơ cấu một ngành cần sự phối hợp của doanh nghiệp ở cả ba khâu: đầu vào- sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu. Như vậy, còn sự phối hợp của Hội doanh nghiệp ngành hàng đó, của Nhà nước, cơ chế chính sách.
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu các ngành vừa qua, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta thiếu khâu hợp tác công tư trong việc phối hợp tái cơ cấu ngành. Các doanh nghiệp cùng Nhà nước cần bàn xem thị trường đang cần gì?, nên tập trung cho ngành nào?, doanh nghiệp làm được gì, cần Nhà nước hỗ trợ gì? Từ đó mới tiến hành có hiệu quả.
Tóm lại, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Để tái cơ cấu ngành chúng tôi cho rằng, cần hợp tác công tư chứ không phải chỉ về vốn. Ví dụ, chúng ta xuất khẩu gạo 20 năm, đến nay thực tế, trừ một doanh nghiệp còn lại không có gạo thương hiệu xuất khẩu. vì sao như vậy? Vì Nhà nước không phải chủ sở hữu của các vùng sản xuất gạo nên quan tâm chưa đúng mức; mặc dù có 5 năm chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Hộ nông dân nhỏ lẻ thì không thể xây dựng thương hiệu được. và cuối cùng thì có 1 doanh nghiệp xây dựng dựng được thương hiệu gạo- được công nhận. Đó là công ty cổ phẩn bảo vệ thực vật An Giang với thương hiệu gạo hạt ngọc trời được quốc tế công nhận.
Xu hướng mạnh ai nấy làm
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân , để triển khai cơ cấu vùng phải có ba đại diện. Phải hợp tác ba bên. Đó là, hai sự hợp tác công và 1 tư. Công đó là chính quyền địa phương; chính quyền trung ương. Một sự hợp tác tư đó là hiệp hội làng nghề, ngành hàng. Ba bên trao đổi với nhau để thuyết phục về lợi ích hợp tác; hai tin tưởng phối hợp đầu tư và ba là chia sẻ lợi ích phối hợp.
Liên quan đến kinh tế vùng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay 5 thành phố bao gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, cần Thơ và hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai chiếm có 5,5% diện tích cả nước; 27% dân số và 24 % lao động nhưng 7 địa phương này tạo ra 53% GDP cả nước; 71% thu ngân sách và 50% xuất khẩu. Năng suất lao động ở 7 địa phương này bằng 3,3% năng suất của các tỉnh còn lại. “GDP/km2 của các tỉnh này bằng 19 lần GDP/km2 của các tỉnh còn lại. Tức là hình dung nếu mỗi km2 của các tỉnh này tạo ra 56 năm GDP thì bằng các địa phương khác/ km2 là 100 năm. Thu ngân sách/1 km2 của 7 tỉnh này bằng 42 lần thu ngân sách/ 1 km2 của các tỉnh còn lại. Tức là thu ở đây trong vòng 23 năm/1km2 thì bằng các tỉnh còn lại thu 100 năm. Như vậy đòi hỏi cần có một chính sách đích đáng để các trung tâm động lực phát triển, từ đó đóng góp ngân sách ngày càng nhiều hơn. Và đặc biệt là quản lý các tỉnh này cần phải mang tính đô thị, không phải quản lý nông thôn”-Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Vấn đề tiếp theo là vấn đề vốn. Trong điều kiện ngân sách công chúng ta thời gian tới không nhiều do nợ công còn cao, mà vốn trong dân thì đã khó, làm thế nào phát huy được tốt, đặc biệt là vốn nước ngoài thì trong đó kiều hối rất đáng quan tâm. Bình quân thời gian vừa qua một năm kiều hối từ 8-10 tỉ USD trong khi ODA giải ngân hàng năm từ 4-5 tỉ, nếu tận dụng tốt cái này thì gấp 2 lần ODA. Cho nên nguy cơ phụ thuộc vào ODA là không phải đáng kể. Vấn đề đặt ra là thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào thì hiệu quả cao?, theo ông Nguyễn Thiện Nhân: Hiện nay có 116 nước đang đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta không cần xúc tiến tại 116 nước mà chỉ cần tập trung vào 10 nước; và 12 nước mà thôi. 10 nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor vv.. thì đầu tư 78% tổng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Còn 12 nước trong 16 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn lại như: Đức, Ý, Anh, Ấn Độ vv thì tổng đầu tư vào Việt Nam chỉ chiếm 6,1% tổng FDI Việt Nam, chỉ hơn lãnh thổ Hồng Kông là 5,4%. Như vậy để thu hút đầu tư, chúng ta cần tập trung thu hút của 10 nước đang đầu tư lớn nhất; và 12 nước có tiềm năng lớn nhất nhưng đầu tư rất ít vào Việt Nam.
Nguồn nhân lực
Vấn đề thứ ba được người đứng đầu Mặt trận lưu ý là vấn đề nguồn nhân lực. Bởi năm 1996 chúng ta có 35 triệu lao động, năm 2016 có 54 triệu lao động, tức là 20 năm số lao động tăng 19 triệu người. “Và đây là một tài sản rất quý giá và dự kiến đến năm 2035 chúng ta có 68 triệu lao động”-Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và nhấn mạnh “đây là lợi thế vô cùng quan trọng”. Theo đó, tất cả các nước phát triển đều đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động vì đẻ ít. Để lao động ổn định thì mỗi phụ nữ trong đời người phải đẻ 2 cháu. Nhưng ở các nước này, Hàn Quốc đẻ 1,25; Singapor đẻ 1,26; Nhật Bản 1,4 vv. Như vậy chúng ta có lợi thế lao động trong 30 năm nữa. Lao động Việt Nam cần cù sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao và đặc biệt là chi phí lao động chúng ta thấp so với các nước. Bởi vì chi phí lao động luôn luôn tỷ lệ với GDP/ đầu người, chừng nào GDP/đầu người của chúng ta còn thấp, thì chi phí lao động một giờ còn thấp. Cho nên hình dung nếu GDP chúng ta chưa vượt ngưỡng 25 ngàn USD trong 30 năm tới thì chi phí lao động khó có khả năng cạnh tranh. Một giờ lao động ngành chế tạo máy hiện nay ở Nhật Bản gấp chúng ta 29 lần; ở Singapor gấp 20 lần, Hàn Quốc gấp 17 lần và Đài Loan gấp 8. Một câu hỏi giản dị vì sao Sam Sung vào Việt Nam, họ có công nghệ ở nhà, có vốn đầy đủ, họ chỉ thiếu lao động nên họ đầu tư vào Việt Nam. Trong vòng 5 năm họ đầu tư hàng tỉ USD, xuất khẩu hàng chục tỉ sản phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân: Về năng suất lao động, nếu người công nhân Việt Nam đứng 1 máy dệt, hay máy tiện như công nhân các nước khác thì năng suất hoàn toàn tương đương. Tức là năng suất về sản phẩm không thua các nước khác nhưng tính năng suất bằng tiền bao giờ cũng thấp hơn, vì trong năng suất bằng tiền có thu nhập của chủ doanh nghiệp và nhà máy thì lương của chúng ta thấp so với các nước hàng chục lần cho nên năng suất tính bằng tiền chúng ta thấp nhưng năng suất kỹ thuật không hề thấp. Chúng ta trồng lúa, điều, nuôi cá bao giờ năng suất cũng thuộc vào loại cao nhất thế giới nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo. “Vì vậy trong thời gian tới chúng tôi cho rằng cần coi trọng tối đa việc sử dụng phát huy vốn lớn nhất của chúng ta chính là con người. Sử dụng vốn con người phát huy vốn con người là ưu tiên số 1”-Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Tóm lại, để tái cơ cấu kinh tế cần tái cơ cấu tư duy, phải thay đổi tư duy. Câu hỏi không phải tiền đâu? mà là thị trường ở đâu? làm gì? thế giới đang cần gì?. Câu hỏi thứ hai là người ở đâu thì cái này chúng ta đang có và cố gắng làm tốt hơn. Câu hỏi thứ ba có biết công nghệ không? làm chủ khoa học công nghệ không? theo tôi tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam trước thách thức nào cũng vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ tư vốn ở đâu? đất ở đâu? sẽ được giải quyết khi các câu hỏi trên có lời giải.
“Tái cơ cấu kinh tế trong cơ chế thị trường thì phải xuất phát thị trường và trước hết là thị trường hàng hóa tái cơ cấu sản phẩm của nền kinh tế của ngành, của địa phương, của từng doanh nghiệp. Cần phát huy vốn con người là vốn quan trọng nhất mà chúng ta có trong 30 năm và sẽ còn phát triển trong khi các nước phát triển nguồn vốn này đang teo lại. Thứ ba để tái cơ cấu ngành cần có hợp tác công tư trong tái cơ cấu ngành. Và cuối cùng cần thiết kế lại hệ thống hành chính 4 cấp và làm rõ chức năng mỗi cấp trong quá trình tái cơ cấu kinh tế”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu.