Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội băn khoăn: Còn bao nhiêu trẻ bị xâm hại đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp?

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành một ngày làm việc để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đã có 55 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu ngay khi Quốc hội bắt đầu phiên giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến sáng nay (27/5) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. 

Vẫn thiếu cơ chế bảo vệ trẻ em hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ em và mong muốn sớm phát hiện, truy tố, xét xử các đối tượng xâm hại. Từ thực tế, đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc đơn cử như những vụ: ông nội, cha ruột xâm hại bé gái; vụ cháu gái gửi tâm thư tố cáo bị đối tượng 70 tuổi xâm hại hay những vụ bảo mẫu, thầy, cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian dài… những vụ án đó thể hiện tính chất phức tạp, kéo dài. Các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo… những đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, điều này khiến chúng ta không khỏi hồ nghi: liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ xử lý và răn đe?

 Quốc hội Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Những tồn tại về mặt thể chất có thể đong đếm nhưng những tổn thương tinh thần mãi mãi còn lại trong ký ức của các em. Tình trạng trên càng chứng minh việc Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em là cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự quan tâm đến trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Theo đại biểu Phương, qua giám sát đã làm rõ thực trạng vi phạm và xử lý, xem xét sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật nhằm xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; kiến nghị đưa ra chủ trương, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Qua giám sát cũng đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong văn bản pháp luật, cụ thể: nhiều quy định về tội ấu dâm chưa bảo đảm; chưa có phòng xử án thân thiện; chưa có cơ chế điều tra phù hợp với trẻ em…

Ngoài ra, nhiều trẻ em bị xâm hại do cha mẹ đi làm xa, cha mẹ ly hôn, trẻ em lang thang cơ nhỡ… Có tình trạng trẻ em bị xâm hại qua mạng, trong đó, nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em như tự tử, tự làm hại mình. “Tất cả những thực tế đó khẳng định, giám sát của Quốc hội nhằm yêu cầu cần phải có một sự đột phá đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội cần vào cuộc quyết liệt nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế chặt chẽ mang tính phòng ngừa, răn đe và có hệ thống, tiếp nhận thông tin cởi mở để trẻ em dễ dàng tiếp cận, kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp”, đại biểu Phương nhấn mạnh.

Về một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như thiến hoá học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu.

Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ, có thể ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử. Cần bố trí các phòng xử án thân thiện, bảo đảm giữ kín danh tính cho trẻ em bị xâm hại; trong quá trình đưa tin, báo chí cũng cần cẩn trọng trong quá trình đưa tin nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Bên cạnh đó, cần tập huấn thường xuyên cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ em; đặc biệt, cần phải thống nhất quan điểm, lý do biện hộ cho hành vi xâm hại trẻ em như do nạn nhân ăn mặc hở hang hay do uống rượu say… Theo đại biểu Phương, cần bổ sung quy định trong Luật Giám định tư pháp theo hướng việc giám định tư pháp với những vụ việc xâm hại trẻ em cần phải được đặc biệt quan tâm.

Nhận diện đúng hành vi và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống bị xâm hại

Tại phiên họp sáng nay, một số đại biểu Quốc hội cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp là do mặt trái của kinh tế thị trường, sự sụt giảm nghiêm trọng của đạo đức xã hội. Tuy nhiên, tranh luận lại với các ý kiến này, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, nếu đổ thừa cho hai nguyên nhân này là chưa đầy đủ. Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra 9 nhóm nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất đã được đưa lên hàng đầu là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ. Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ 49/63 tỉnh, thành phố có HĐND cấp tỉnh chưa ban hành nghị quyết chuyên đề chỉ đạo thực hiện nội dung này, chủ yếu lồng ghép vào nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hoặc chậm ban hành nghị quyết này. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. “Một khi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa nhận thức đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em?”, đại biểu Vân đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu.

Đề cập đến các nhóm giải pháp được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát chi tiết, đại biểu Vân nhận định đã rất toàn diện, kiến nghị từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, nguyên nhân chính kể trên chưa được xử lý triệt để, chưa thấy có cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị xử lý khi xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tại địa phương mình quản lý. “Báo cáo đã đưa ra những sai phạm thì phải xử lý để nêu gương và răn đe, khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Hồng Vân nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu K’sor H'Bơ Khăp (Đoàn Gia Lai) cho rằng, cần nhấn mạnh khía cạnh nhận diện các hành vi xâm hại trẻ em để làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật có liên quan trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc giáo dục, nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ với chính các em mà còn phải với người lớn. Đại biểu K’sor H'Bơ Khăp nêu thực tế vừa qua các hành vi xâm hại trẻ em như nhìn lén, quay lén, nói chuyện dâm ô… diễn ra ở nơi cộng đồng, trường học khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý vì không có quy định cụ thể hoặc có nhưng rất khó xử lý, xử lý rất nhẹ.

Nhấn mạnh quan điểm phòng ngừa là chính, đại biểu K’sor H'Bơ Khăp cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát tối cao này phải xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là giáo dục, nhận diện đúng và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống bị xâm hại. Bởi lẽ, hiện nay, việc giáo dục kỹ năng, phổ biến pháp luật trong các trường học, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính hình thức, trên giấy tờ. Bản thân trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính, về pháp luật, không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào. Kỹ năng được huấn luyện chỉ là không được đi với người lạ, không được để người lạ động vào người… nhưng cuối cùng đa số những vụ xâm hại là từ người thân, người quen. Bản thân người lớn cũng đang nhận thức không đúng và chưa đầy đủ về các hành vi xâm hại, cứ nghĩ hành vi hiếp dâm được cấu thành mới là tổn thương, đáng bị lên án.

Phải điều tra thực sự khoa học, thống kê đầy đủ số liệu trẻ em bị xâm hại

Hình thức xâm hại trẻ em rất rộng, nhưng theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), chúng ta vẫn chưa xác định thật rõ và nhất quán về các hình thức xâm hại, hành vi xâm hại trẻ em. Điều này dẫn đến việc thống kê, đánh giá tính chất, mức độ xâm hại trẻ me trên một số tiêu chí, ở một số địa phương chưa thật đầy đủ, dễ gây hiểu lầm rằng số vụ việc chỉ có như vậy.

Theo báo cáo của Chính phủ, số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đã thống kê được là rất lớn: số trẻ em khuyết tật là 671.659 em; trẻ em tự kỷ là 240.000 em; trẻ em không sống trong môi trường gia đình là 33.000 em; trẻ em có cha mẹ ly hôn 69.000 em… Tổng số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại là hơn 1 triệu em, tương đương 4,09% tổng số trẻ em toàn quốc. Nếu tính tổng số trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại thì con số này lên tới 8% tổng số trẻ em toàn quốc.

“Đây là con số rất đáng kể và đáng báo động so với con số 0,035% mà báo cáo của Chính phủ chỉ ra. Xin nhắc lại, đây chỉ là số vụ việc đã được thống kê”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Hiển chỉ rõ, về lý thuyết, tỷ lệ xâm hại trẻ em sẽ rất cao so với những vụ việc xâm hại sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm con người nói chung. Bởi lẽ, nạn nhân trong những vụ việc này là trẻ em, đối tượng hầu như không có khả năng tự vệ, nhận biết và tố giác hành vi xâm hại; không gian, địa điểm xâm hại thường khó phát hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cũng cho rằng, do không có sự rõ ràng trong số liệu thống kê nên việc đánh giá một số mục ở phần sau của báo cáo có sự nhầm lẫn, mặc nhiên coi một số vụ việc xâm hại đã bị xử lý hình sự, hành chính là xâm hại trẻ em như mục đánh giá đối tượng xâm hại trẻ em, địa bàn, địa điểm xảy ra hành vi xâm hại; phương thức, thủ đoạn xâm hại… Ví dụ, đánh giá về đối tượng xâm hại trẻ em trong báo cáo do dựa vào số liệu thống kê hành vi xâm hại đã bị xử lý hình sự, hành chính nên dẫn đến nhận định đối tượng xâm hại chủ yếu là nam giới (chiếm 95%), hay đánh giá người ruột thịt, thân thiết, quen biết ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 97%. Trên thực tế, nếu xác định trẻ em bị xâm hại bằng các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi… như báo cáo đã nêu thì sẽ cho ra kết quả và nhận định khác xa so với báo cáo nêu. Do thiếu hụt các dữ liệu thống kê nên việc dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới còn mờ nhạt, thiếu những đánh giá, nhận định có tính chất đột phá.

Về chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, trong thời kỳ báo cáo từ 1.1.2015 - 20.6.2019, chúng ta đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Cụ thể: 83 văn bản Trung ương gồm 18 luật, 33 văn bản là nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ; 35 thông tư của các bộ và rất nhiều văn bản khác. Mỗi văn bản trên đều có quy định cụ thể về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu Hiển, ở tầm quốc gia, chúng ta chưa có chính sách thống nhất rõ ràng được thể hiện đầy đủ trong một chương trình, kế hoạch hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Chúng ta cũng thiếu một thiết kế tổng thể về hệ thống phòng ngừa, xử lý trong vấn đề này. Mãi đến ngày 23.12.2019, Thủ tướng mới ban hành Quyết định 1863 về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025. Chính vì vậy, trong thời gian dài, việc tổ chức thực hiện của chúng ta thực sự thiếu thống nhất; thiếu sự điều phối đủ mạnh. Ở đây báo cáo không chỉ rõ nhiệm vụ điều phối này giao cho cơ quan nào? Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay Ban Chỉ đạo quốc gia về trẻ em? Chúng ta thiếu sự phân công trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể tham gia trong công tác này do đó việc bố trí nguồn lực, kinh phí, nhân sự, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác này còn nhiều bất cập như báo cáo đã nêu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Hiển cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với cơ quan chức năng của Chính phủ trong điều tra thực sự khoa học, bài bản nhằm thống kê đầy đủ số liệu trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua, bao gồm trẻ em bị xâm hại bằng các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức khác được quy định theo Luật Trẻ em. Đây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong tương lai cũng như phục vụ cho việc xây dựng chính sách cho giai đoạn tới.