Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh cho năm 2020. Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình xin rút 2 dự án luật trong năm 2020 gồm luật Đất đai (sửa đổi) và luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).
Cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.
Khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai
Phát biểu mở đầu buổi thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề nghị cần phải đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án luật Đất đai, trước khi đề nghị rút ra khỏi chương trình.
Bởi dự án luật này, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhận thấy: "Vấn đề quản lý đất đai thời gian vừa qua có quá nhiều vướng mắc, nhiều yếu kém, trong đó có vấn đề pháp luật về đất đai mà cụ thể là Luật Đất đai còn quy định chung, chưa rõ ràng, một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai chưa được điều chỉnh kịp thời, một số nội dung còn quy định chồng chéo, có nội dung là một vấn đề đã dẫn chiếu quá nhiều điều khoản của luật khác và từ đó dẫn đến việc khó hiểu, khó áp dụng. Đây là vấn đề mà tôi đã phản ánh từ nhiệm kỳ trước, Quốc hội, Chính phủ có tiếp thu nhưng chưa đưa ra sửa đổi."
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé dẫn chứng: "Vấn đề về đất đai, quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản đất đai của người dân. Thực tế, vấn đề bức xúc của Nhân dân dẫn đến khiếu kiện phần lớn xuất phát từ vấn đề liên quan đến đất đai. Theo thống kê của ngành thanh tra thì có khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai. Ở đây, ngoài năng lực yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước thì vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực hiện quản lý lĩnh vực này. Như vậy, sửa Luật Đất đai có thiết thực, có cần thiết, có cấp bách hay không?"
"Đoàn đại biểu Quốc hội chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của cử tri và chính quyền ở cơ sở gửi đến Đoàn để tổng hợp, gửi về cho Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại kỳ họp này, đã đặt ra vấn đề là tại sao Quốc hội không sửa đổi Luật Đất đai kịp thời. Cử tri và chính quyền địa phương mong mỏi có một đạo luật thật sự phù hợp, thật sự rõ ràng để chính quyền địa phương quản lý đất đai chặt chẽ hơn, người dân chấp hành pháp luật về đất đai tốt hơn và từ đó tôi nghĩ là sẽ hạn chế được vấn đề khiếu kiện về đất đai." - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết thêm.
Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Quốc hội xem xét "đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2021 và tôi cũng đề nghị Chính phủ có động thái tích cực hơn đối với việc chuẩn bị, trình các dự án luật này có trách nhiệm hơn."
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn đại biểu TP Cần Thơ) đề nghị "bổ sung đưa vào chương trình cho ý kiến chậm nhất năm 2021, cụ thể đến giờ này chỉ còn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết, đánh giá để làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013, không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập đang phát sinh và để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới."
Nhất trí cao với đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng: "Có thể nói là chúng ta “sống trên đất, chết vùi trong đất”, đất đai là nguồn tài nguyên lớn nhất của đất nước. Đối với những nước đang phát triển thì đây là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển, nhưng cũng phải nói rằng trong thời gian qua hệ thống pháp luật đất đai của chúng ta còn nhiều điểm bất hợp lý và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển và đây là một trong những cản trở lớn nhất cho việc huy động nguồn lực phát triển."
Đại biểu Vũ Tiến Lộc lý giải, "bởi bất cứ một công trình nào, một dự án nào cũng đều phải có yêu cầu về tiếp cận đất đai mà tiếp cận đất đai thì đang là trở ngại khó khăn hàng đầu."
Chính vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị việc đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đây là luật nền tảng, một luật rất quan trọng cho nên tôi đề nghị đẩy nhanh chứ không lùi lại trong chương trình xây dựng luật này.
"Mặc dù là rất nhạy cảm, rất khó khăn nhưng chúng ta cũng phải đối đầu với thực tiễn và phải giải quyết yêu cầu của thực tiễn, cho nên tôi đề nghị phải đặt trọng tâm và phải làm với tinh thần quyết liệt nhất dự luật này." - Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho biết thêm, vấn đề đất đai trong các năm qua và hiện nay luôn được cử tri đặc biệt quan tâm và kiến nghị Quốc hội nhiều lần xem xét, sửa đổi, hoàn thiện những vấn đề vướng mắc, phát sinh. "Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua và hiện nay nội dung liên quan đến vấn đề đất đai chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu Quốc hội, Chính phủ chậm xem xét, sửa đổi, bổ sung thì sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong thời gian sắp tới." - Đại biểu Thanh Xuân nhấn mạnh.
Xem xét cẩn trọng việc sửa Luật Đất đai Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đồng ý với Tờ trình là cho rút dự án Luật Đất đai ra khỏi chương trình. Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, tổng kết rất kỳ công, thông qua tại 3 kỳ họp, làm hết sức cẩn thận, rất chặt chẽ. Đại biểu đề nghị "nên để Luật Đất đai rút ra khỏi chương trình và giao cho Chính phủ tổng kết hết sức toàn diện, kết hợp với văn kiện đại hội Đảng toàn quốc thông qua vào tháng 5/2021, lúc đó ta sẽ sửa một cách toàn diện dự án Luật Đất đai."
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng thông tin thêm: "Vừa rồi, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công của Ủy ban Kinh tế, chúng tôi cũng có theo dõi thì nhiều nội dung trong Luật Đất đai không phải là vướng từ luật mà vướng từ thực tế triển khai thực hiện, cho nên ta phải rà soát những vấn đề nào vướng trong luật và những vấn đề nào trong triển khai thực hiện trong thực tế, ta phải phân định rõ hết sức từng bước một."
"Hiện Bộ Chính trị có Kết luận 36 về một số nội dung cần xử lý trong dự án Luật Đất đai như tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá. Đề nghị Chính phủ giao bộ ngành liên quan triển khai kết luận này”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn bổ sung.
Cần định hình xem khi nào Quốc hội sửa Luật Đất đai
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Có một số đại biểu cho rằng việc rút dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, vì không vướng trong quá trình triển khai thực hiện, một số ý tương tự như vậy. Xin hỏi các đại biểu một ý, vì sao trước đây chúng ta lại bấm nút thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có việc là sửa đổi Luật Đất đai. Sự cần thiết của nó như thế nào? Như vậy, phải chăng trước đây việc Quốc hội đưa việc sửa đổi Luật Đất đai vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là không cần thiết và thiếu chính xác. Nói như vậy thì nghe thật sự rất khó hiểu."
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đồng ý "Lần này cần phải rút Luật Đất đai ra. Vì sự chuẩn bị của nó chưa đảm bảo để trình cho Quốc hội, theo như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để đưa vào chương trình, mà hôm nay chúng ta thảo luận không có Luật Đất đai theo như chương trình trước đây, nghị quyết trước đây Quốc hội đã biểu quyết là có lý do, không phải là không cần thiết sửa Luật Đất đai."
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, việc thực thi Luật Đất đai còn phải gắn và đồng bộ với một số luật khác. Ví dụ như là Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Bây giờ chúng ta đang sửa Luật Xây dựng, trước đây chúng ta sửa Luật Quy hoạch...
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kỳ vọng sẽ sửa Luật Đất đai đồng bộ với các luật này để khi thực thi trong thực tiễn sẽ bớt những chồng chéo, vướng mắc, những khó khăn và lỗ hổng về pháp luật, đặc biệt là giữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, về xây dựng, về quy hoạch, phải đồng bộ và hài hòa với lợi ích của người dân và người sử dụng, cũng như tổ chức sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: "Tại sao người dân và các tổ chức, những người sử dụng đất, người ta sẵn sàng ủng hộ những quy hoạch của chính quyền, ủng hộ quyết định thu hồi đất nhưng đến khi thu hồi đất thì xảy ra chuyện tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong các tầng lớp Nhân dân. Chúng ta phải thấy đây là độ vênh pháp luật giữa các luật với nhau, cũng như những quy định của pháp luật so với yêu cầu của thực tiễn, giữa công tác quản lý nhà nước với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của tổ chức sử dụng đất đai, cũng như trong công tác xây dựng, quy hoạch.
Bà Quyết Tâm đưa ra ví dụ: "Chúng ta quy hoạch cây xanh, hỏi có cần thiết cho xã hội không? Cần, nhưng quy hoạch ngay cụm dân cư lâu đời, cứ để như vậy hàng chục năm không triển khai thực hiện được, những lợi ích của người dân ở trong đó vô cùng khó khăn, bức bối. Người ta nói rằng khi có quy hoạch đó giống như là một án treo đối với người dân. Vậy, luật nào sẽ giải quyết những bất cập này phải đồng bộ giữa 3 luật này."
"Còn nhiều luật khác nữa, nhưng theo tôi nghĩ Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch phải đồng bộ với nhau. Bây giờ chúng ta sửa 2 luật kia rồi. Có những điều của Luật Xây dựng sắp tới đây chúng ta chuẩn bị thảo luận thì nói rằng sẽ thực hiện theo Luật Đất đai, nhưng Luật Đất đai với Luật Xây dựng có những vướng mắc." - Bà Quyết Tâm nói.
Để chứng minh cho nhận định trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm lấy ví dụ, Luật Xây dựng chuẩn bị sửa có những điều quy định về cấp phép xây dựng có thời hạn thì có mấy điều khoản quy định có điều kiện để cấp phép xây dựng có thời hạn và có đền bù vật kiến trúc, tài sản trên đất khi thu hồi đối với hạng mục xây dựng có thời hạn đó hay không thì áp dụng với Luật Đất đai. "Đọc lại Luật Đất đai quy định vấn đề này như thế nào, hiện nay đây là vấn đề mà người dân vô cùng bức xúc. Có những dự án vài chục năm quy hoạch rồi nhưng không triển khai thực hiện được. Vậy, bây giờ cho xây dựng có thời hạn thì thời hạn bao lâu, đến khi thực hiện quy hoạch đó thì công trình đó sẽ được bồi thường như thế nào, quyền và lợi ích của người sử dụng đất đó, có tài sản đó sẽ thực hiện như thế nào." - Bà Quyết Tâm nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Nếu Luật Đất đai không sửa một cách đồng bộ thì nó có phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hay không? Tôi nghĩ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc để đưa ra Quốc hội thảo luận, đặt vấn đề rút Luật Đất đai ra khỏi chương trình có những yêu cầu cần thiết của nó, nhưng không có nghĩa là không cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai và cũng không có nghĩa rằng trong Luật Đất đai hiện nay không có những điều khoản so với quá trình triển khai và thực hiện nó bất cập."
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, "bất cập ở đây không chỉ ở lĩnh vực quản lý nhà nước mà bất cập căn bản là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người sử dụng đất." Cho nên theo đại biểu Quyết Tâm, vấn đề này cần phải nhìn nhận một cách có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. "Trước đây, chúng ta đã bấm nút để đưa Luật Đất đai vào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bây giờ chúng ta có bấm nút hay không để đưa nó ra, cũng phải có lý lẽ cho thuyết phục và có trách nhiệm của đại biểu chứ không phải bây giờ đưa nó ra có nghĩa là không cần." - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.
Giải trình về nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, về Luật Đất đai, trên thực tế Chính phủ cũng đã nâng lên đặt xuống ít nhất đã 2 lần; 2 lần xin đưa vào rồi xin rút ra và sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý một số các vấn đề vướng mắc, bức xúc.
Tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ chưa đầu tư hết công sức bên cạnh những phần khó, vướng mắc. Thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án luật này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm, Luật Đất đai được thông qua vào năm 2013 theo quy trình tại 3 kỳ họp cũng như phải lấy ý kiến Nhân dân, cùng với Hiến pháp năm 2013. Năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương thông qua một nghị quyết về những chính sách cơ bản, định hướng chủ trương về các vấn đề liên quan đến đất đai đến năm 2021 sẽ tổng kết việc này. Trên cơ sở tổng kết nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục xem xét để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.