CNTT tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội sáng 26/10, ĐB Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: CMCN 4.0 về bản chất là một quá trình chuyển đổi số, là sự chuyển đổi rộng lớn về mô hình kinh doanh chuyển từ mua-bán sang thuê và cung cấp dịch vụ, hay còn gọi là nền kinh tế - mọi thứ như là dịch vụ. Amazon, Alibaba, Uber,… là những ví dụ tiêu biểu cho các xu hướng kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã giúp một nền kinh tế - mọi thứ như dịch vụ được hình thành.
“Trong CMCN 4.0, CNTT trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và CNTT không còn và không nên được coi là một ngành riêng cũng không chỉ là ngành hạ tầng của hạ tầng mà cần thiết được xem là yếu tố cấu thành của mọi hoạt động tương tự như yếu tố nguồn nhân lực, yếu tố tài chính, là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế số”, ĐB nhấn mạnh.
Dẫn cụ thể, theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017, ở nước ta trong thời gian qua, CNTT đã có những bước phát triển quan trọng ở cả 3 lĩnh vực sản xuất, ứng dụng và cung cấp dịch vụ. Trong đó, năm 2016, doanh thu phần cứng là 58,83 tỷ USD (88%), công nghiệp phần mềm và nội dung số là 3,77 tỷ USD (5,58%) và dịch vụ CNTT là 5,07 tỷ USD (6,42%). So sánh với ngành công nghiệp ôtô, được coi là ngành rất “nóng” năm 2016, tổng doanh thu là 3,7 tỷ USD thì ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng 20 lần ngành công nghiệp ôtô.
CNTT tại Việt Nam kém xa các nước
Mặc dù vậy, theo ĐB Nguyễn Quốc Bình, so với trình độ phát triển CNTT thế giới, CNTT tại nước ta đang tụt hậu rất xa và chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế, xã hội hay trong điều hành Chính phủ.
ĐB cho hay, dù trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương sâu sắc, đúng đắn về CNTT, tuy nhiên trong thực hiện thì còn nhiều bất cập, ví dụ chính sách thuê ngoài dịch vụ CNTT tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 15/02/2015 vẫn chưa có chế tài thực hiện nên việc triển khai còn hạn chế. Đầu tư CNTT theo Nghị định 102/2009/NĐ-CP ban hành ngày 6/11/2009 phù hợp với đầu tư xây dựng nói chung chưa phù hợp với cách kiến tạo các tài sản số, tài sản tri thức.
Năm 2016, trước nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đã có chỉ thị “Rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số”. Tiếp đó, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng đầu và Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Ủy ban trọng điểm về công nghiệp 4.0. “Đây là chủ trương và hành động rất tích cực của Chính phủ”, ĐB Nguyễn Đức Bình bày tỏ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia
Để thực hiện những chủ trương này, phát triển công nghiệp 4.0, ĐB Quốc hội Nguyễn Quốc Bình đề xuất trước hết cần nhận thức đúng về yêu cầu chuyển đổi số. Và Chính phủ nên nhanh chóng đưa ra danh sách các tài sản số quốc gia cần được xây dựng, hướng đến xây dựng thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các dịch vụ thông minh...
Tiếp theo, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh những việc chưa đúng, chưa đầy đủ về công nghệ thông tin. Để khắc phục những thiếu sót này cần điều chỉnh ngay các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin đang triển khai phân tán rời rạc về thành một cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp liên thông; xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu, định danh điện tử và quyền riêng tư về dữ liệu.
Ông Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng số quốc gia và tài sản số quốc gia. Trong hạ tầng số quốc gia, hạ tầng dữ liệu là quan trọng nhất, phải có chính sách mở cửa, chia sẻ dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân có thể sử dụng. Khai thác ngay một cách hợp lý những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại. Chính phủ cần làm gương và làm đầu mối tập hợp các sức mạnh của cộng đồng và doanh nghiệp để chuyển đổi số thông qua các chương trình như Chính phủ điện tử, Chính phủ số và các chương trình trọng điểm phát triển công nghiệp 4.0.
"Phải tạo lập Việt Nam số, xã hội số để người dân trở thành công dân số", ông Bình nhấn mạnh và bày tỏ việc Việt Nam có tranh thủ thời cơ và không bị tụt hậu trong CMCN 4.0 hay không phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Chính phủ. Một cơ chế chính sách nhanh, mạnh, đúng đắn, minh bạch về lĩnh vực này sẽ được xem như là tài nguyên quốc gia lớn nhất trong thời đại CMCN 4.0 này.