Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Đạt Hải (phường Hạ Đình) kiến nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát với hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành. Trong đó, mỗi vị đại biểu (ĐB) nên chọn một địa điểm để tiếp xúc cử tri nhằm tăng tính đối thoại, lắng nghe nhiều hơn các kiến nghị từ cơ sở.
Bên cạnh đó, cử tri phường Hạ Đình đề nghị các cấp có giải pháp hữu hiệu đưa hoạt động của HĐND cấp phường trên địa bàn TP nâng cao hiệu quả hơn nữa; tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng lãng phí, việc truy thu tài sản của Nhà nước bị thất thoát; xử lý nghiêm việc bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy trình, gây bức xúc dư luận. Đồng thời, cử tri còn kiến nghị có giải pháp quyết liệt đẩy mạnh đổi mới giáo dục đại học, để có thể theo kịp tiến trình mở cửa của nền kinh tế, giúp sinh viên ra trường có việc làm. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý văn hóa, quản lý thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...
Thay mặt Đoàn ĐB Quốc hội TP, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường đã tiếp thu, trả lời kiến nghị của cử tri. Trong đó, về đề xuất mỗi ĐB chọn một địa điểm tiếp xúc cử tri, theo ĐB này, cử tri cần có sự chia sẻ vì hiện mỗi ĐB Quốc hội đều có nhiều nhiệm vụ khác nhau trên các cương vị của mình, nên thời gian dành cho công tác tiếp xúc cử tri cần được thu xếp. Trong khi, trách nhiệm của ĐB Quốc hội là vẫn phải thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, cùng với tiếp xúc cử tri chuyên đề và nhiều hình thức khác.
“Mục đích cuối cùng là lắng nghe được nhiều ý kiến của cử tri, qua đó hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân, để khi tham gia diễn đàn Quốc hội thì ĐB sẽ có kiến thức, góp ý phù hợp mong muốn của đông đảo người dân. Thực tế trong các đợt tiếp xúc cử tri, có những tổ có ĐB ứng cử tại địa bàn đó, hoặc các ĐB luân chuyển từ đơn vị khác sang tiếp xúc để có nhiều thông tin hơn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.