Đại biểu Quốc hội: Lương thấp, cơ quan Nhà nước không thu hút được người tài

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, mức lương của công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, không thu hút được người tài.

Cải cách lương tạo động lực công chức phấn đấu
Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Phát biểu thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, các mức lương công chức hành chính được tính toán trên cơ sở tiền lương tối thiểu nên bảng lương của khu vực hành chính thấp hơn mức bình quân chung trên thị tường. Do đó, các mức lương của công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, không thu hút được người tài.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam).
Hiện có quá nhiều loại phụ cấp vừa không bù đắp sức lao động tăng lên, vừa không công bằng với công chức hành chính cùng hệ thống chính trị. Vấn đề này, cử tri nhiều lần kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo nhưng các bộ ngành chức năng chưa đề xuất được phương án căn bản cải cách chính sách tiền lương, nhất là đổi mới hệ thống thang bảng, ngạch bậc lương nhằm đổi mới căn bản, bảo đảm đời sống, công bằng trong thu nhập của công chức.

Theo đại biểu, cùng với việc đổi mới bộ máy hành chính, phải mạnh dạn đổi mới cải cách thang, ngạch, bậc lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách giữa các bậc lương, hoàn thiện các loại phụ cấp cho phù hợp. Trong đó, chú trọng phụ cấp ngành nghề, chuyên môn kỹ thuật cao, phụ cấp chức vụ để khuyến khích tạo động lực cho công chức phấn đấu và thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước làm việc.
“Cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương”
Bên cạnh vấn đề cải cách lương thu hút người tài, các đại biểu cũng góp ý đến việc cải cách bộ máy hành chính, tăng tính cạnh tranh trong công chức.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho hay, trong nhiều báo cáo của chúng ta có đánh giá một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc trong khi đó thì nguồn nhân lực của chúng ta không thiếu, thậm chí là đang dư thừa.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau).
Đại biểu đặt vấn đề: “Vấn đề đặt ra là tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức, thế là đã được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có bảo hiểm xã hội. Với lực lượng làm việc từ từ như vậy thì sao buộc bộ máy vận hành nhanh hơn, tốt hơn”.
Theo đại biểu, nên chăng đã đến lúc phải tính lại tính cạnh tranh trong công chức, đó là cứ sau vài năm chúng ta đánh giá lại công chức một cách thực chất.
“Đánh gía thực chất chứ không như quy trình đánh giá cán bộ, công chức mang tính hình thức như hiện nay, để từ đó chúng ta loại ra khỏi công chức một số người không còn đủ điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc”, đại biểu nhấn mạnh.

Song song đó tổ chức tuyển dụng đội ngũ công chức mới vào, đây cũng có thể cho là một giải pháp tạo đầu ra cho nạn thất nghiệp đã qua đào tạo. Chống lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực nhưng đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh chọn được người nổi trội, tạo sự năng nổ trong thực hiện công việc của cán bộ công chức qua đó góp phần nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần