Đại biểu Quốc hội: Nếu công khai cho dân biết, có thể tránh được sai phạm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một số đại biểu nhấn mạnh, cần đề cao công khai, minh bạch trong trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan đơn vị.

Các quyết định liên quan đến người dân đều phải công khai, trừ trường hợp bí mật nhà nước

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể, mang tính đặc thù. Dự Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa những văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả, đồng thời bổ sung, phát triển, hoàn thiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp và không xung đột với các cái văn bản luật hiện hành. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nội dung thực hành dân chủ trong Dự Luật được trình bày theo mạch trình tự phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, để hướng tới mục tiêu, yêu cầu phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp phù hợp với tính chất của từng loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Các đại biểu đều khẳng định, Dự Luật rất quan trọng nhưng cũng là một Dự Luật khó. Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn tỉnh Đồng Nai), có hai phạm trù rất lớn, phạm trù dân chủ và phạm trù cơ sở đều là những vấn đề đã được cân nhắc rồi trao đổi còn nhiều quan điểm. Theo đại biểu, các cấu trúc của dự thảo luật này đã đáp ứng được phần nào, thể hiện quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân vào trong dự án luật này.

Về tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh cần đánh giá rất kỹ tính khả thi để tránh quy định mang tính chất để liệt kê và mang tính chất của nghị quyết hơn là văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu cho rằng, khi bàn về cơ sở xã, phường, thị trấn nhưng trong dự án luật, chúng ta thường nhắc nhiều đến thôn, tổ dân phố, cần làm rất rõ phạm vi về mặt cơ sở để bảo đảm tính khả thi này cần quan tâm đến nguồn lực cũng như việc chi trả, hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác triển khai các quy định liên quan đến dân chủ.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn tỉnh Đồng Nai) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn tỉnh Đồng Nai) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng nêu quan điểm đề nghị không quy định mô hình Thanh tra Nhân dân trong Dự Luật, bởi chế định về Thanh tra Nhân dân rất hình thức và lâu nay dường như bỏ quên chế định này trong Luật Thanh tra. Đại biểu quan tâm đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thông qua các trang mạng xã hội, bởi chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số trong thời đại công nghệ, đề nghị cần có một chương riêng về việc thực hiện dân chủ sở thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin áp dụng trang mạng xã hội hiện nay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh việc đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, công khai minh bạch trong trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan đơn vị.

Đại biểu nêu dẫn chứng và nhìn lại tất cả những cái vụ án tham nhũng như vụ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… Tất cả những vụ này đều có điểm chung thực hiện rất đúng, các quy trình rất có đầy đủ. Tuy nhiên cũng có điều giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

“Qua đó cho thấy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm, không để “lún sâu” như thời gian vừa qua” - đại biểu nêu rõ.

Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai. Về công khai, đại biểu cho biết, về nguyên lý cứ bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị chúng ta không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới.

“Chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”- đại biểu nhấn mạnh.

Quy định chế tài cụ thể để đảm bảo dân giám sát, dân thụ hưởng

Theo đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn tỉnh Lào Cai), Dự Luật chủ yếu mới cụ thể hóa được nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định; còn nội dung dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng thì chưa được thể hiện rõ nét.

Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, hiệu lực và các kiến nghị thực hiện sau kiểm tra, giám sát của người dân. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể hóa cơ chế dân thụ hưởng tại một loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở bởi đây là điểm mới quan trọng của Dự Luật này.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (đoàn tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (đoàn tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn tỉnh Quảng Ngãi) cũng đề nghị, các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội,… đối với nhân dân địa phương.

Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân. Đồng thời phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng.

Các đại biểu cũng góp ý về phạm vi điều chỉnh, có nên quy định doanh nghiệp hay không. Theo đó, đề nghị ban soạn thảo rất cân nhắc vấn đề này, bởi hiện có doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước. Nếu chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước thì tại sao người lao động trong doanh nghiệp nhà nước lại khác với người lao động của khối tư nhân, khối FDI. Nếu phân biệt thì vô hình chung đã tách dân chủ ở hai khu vực này, vì vậy ban soạn thảo cần cân nhắc vấn đề này.