Ngày 25/7/2021, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức
Thảo luận tại hội trường, liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về các biện pháp phòng, chống Covid-19, đại biểu Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, có 3 điểm cần xác định cụ thể.
Đó là phạm vi điều chỉnh, chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng, chống Covid-19. Thứ hai, cần khống chế thời hạn nhất định. Thứ ba, cần xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt là có biện pháp để không lợi dụng chính sách, trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu cho rằng: “Mọi kế hoạch có hay đến đâu, có hoàn hảo đến đâu thì điều quan trọng vẫn phải là khâu tổ chức thực hiện và yếu tố con người. Chúng ta rất cần những con người có phẩm chất, năng lực, trí tuệ để vận hành bộ máy. Đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công tất cả các kế hoạch”.
“Ngoài kia, cuộc sống với dịch bệnh vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, người dân vẫn đang chờ đợi, chờ đợi để vaccine sớm đến với toàn dân, chờ đợi để những ngày tháng khó khăn sẽ đi qua và người dân cũng hi vọng với bản lĩnh, trí tuệ, Chính phủ sẽ thực hiện thành công tất cả những nghị quyết, kế hoạch và chúng tôi cũng tin rằng Chính phủ cũng sẽ làm được điều đó.”
Đề cập đến các gói hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, đại biểu cho rằng, thứ nhất, đối với gói 62.000 tỷ đồng, chúng ta thực hiện chưa kịp thời và kết quả là chúng ta chỉ thực hiện được 36.000 tỷ tương đương 36% tổng mức dự kiến.
Rút kinh nghiệm ở gói cứu trợ này là gói cứu trợ thứ hai là 26.000 tỷ đồng được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng. Đại biểu khẳng định: “Đổi mới là hết sức trân trọng nhưng nếu không thận trọng thì chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, và tôi muốn nói rằng, khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức”.
Về vấn đề, áp dụng cơ chế hậu kiểm với gói cứu trợ, theo bà Lưu Mai, cần cân nhắc cơ chế hậu kiểm vì vì hiện nay, thực tế, trên một số lĩnh vực như thuế và hải quan... áp dụng cơ chế hậu kiểm và trong trường hợp kê khai không đúng sẽ truy thu, xuất toán.
Nhưng đối với gói cứu trợ hoàn toàn khác, chúng ta cần cân nhắc tính hợp lý, vì khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ còn việc xác định tính đúng đắn, đó là trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ và khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn. Mặt khác, chính sách hỗ trợ thể hiện tính nhân văn cao cả là hình ảnh của Chính phủ đưa bàn tay cùng người dân đi qua khó khăn, do vậy việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn.
Rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phân tích, thời gian qua nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa khó khăn cho người dân. Tuy nhiên còn một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, ví dụ không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch.
Đại biểu Thủy đánh giá cao việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”.
Bên cạnh đó, thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh trên cả nước đã khiến người dân không còn coi thường dịch bệnh, thực hiện khai báo đầy đủ… Sự chấp nhận gian khổ hy sinh của lực lượng tuyến đầu, sự hy sinh, chia sẻ của các địa phương, các lực lượng quân đội, công an… đã hỗ trợ cho các tỉnh có dịch thêm sức mạnh để kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. Không chỉ chung tay đóng góp về vật chất mà còn sự đồng lòng về tinh thần của mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp để chiến thắng đại dịch.
Thời gian tới, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới.
Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), các báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình đất nước thời gian qua và trong muôn vàn khó khăn, đất nước ta đã đạt được nhiều thành công.
Phân tích những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước tác động tiêu cực đến kinh tế, sinh hoạt và sức khỏe nhân dân, Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm cập nhật, xây dựng các kịch bản về dịch bệnh và dựa vào các kịch bản đó xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản cho sản xuất, cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.
Trước mắt cần tập trung mạnh ưu tiên nguồn lực để chống dịch và phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân. Cần đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K+vaccine trong chống dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh và thực hiện các hoạt động chỉ đạo khác về y tế; tổ chức các bệnh dã chiến với các tầng, tháp hiệu quả, khả thi trong điều trị dịch bệnh; tăng cường hơn nữa các hoạt động hội họp trực tuyến để bảo đảm giãn cách, giảm thiểu lây lan dịch bệnh;…