Báo Kinh tế & Đô thị xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của Đại sứ.
"Trước hết, tôi muốn bày tỏ sự thán phục về những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 suốt hơn một năm qua. Tôi nhận thấy, Na Uy cũng đang thực hiện nhiều biện pháp chống dịch giống Việt Nam, ví dụ như coi trọng việc xét nghiệm và truy vết.
Hiện tại đối với Việt Nam, tiêm vaccine là mục tiêu quan trọng để đối phó với biến thể Delta dễ lây lan hơn, do vậy, tiêm chủng là giải pháp giúp đạt được miễn dịch cộng đồng. Cho đến nay, Việt Nam cũng đã tiêm được hơn 20 triệu liều vaccine Covid-19. Tuy nhiên, do tình trạng cung vượt quá cầu về vaccine trên thế giới nên nguồn cung vaccine cho Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Hy vọng Việt Nam sẽ nhận được nhiều vaccine hơn trong những tháng cuối năm.
Cũng chung quan điểm coi trọng vaccine, nên ngay từ đầu đại dịch, Na Uy đã chú trọng đến việc phát triển, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 trên toàn thế giới, coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đề cao việc phân phối và tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia. Các biến thể mới của virus ngày càng khó đoán định, vì thế cần có một cơ chế phản ứng hiệu quả mang tính toàn cầu.
Chúng ta đều biết vaccine là hy vọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải đảm bảo tiếp cận công bằng để những người nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất cũng có thể tiếp cận vaccine. Vì đại dịch tác động đến cả trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và đàn ông theo các cách khác nhau, nên biện pháp ứng phó với đại dịch cần cân nhắc cả góc độ giới, để đảm bảo các biện pháp áp dụng không phân biệt đối xử, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có cho mỗi quốc gia, tác động tàn khốc tới cuộc sống và sinh kế của bao người và làm gián đoạn nghiêm trọng đời sống xã hội, nền kinh tế của mỗi nước. Nhưng trong bối cảnh đại dịch, ta được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về tình người ở Việt Nam. Bản chất của những câu chuyện đó là sự sẻ chia vì vậy rất lay động lòng người. Tôi thực sự xúc động khi đọc những bản tin về đội ngũ y bác sĩ và những cán bộ ở tuyến đầu chống dịch của Việt Nam, những người đang không quản ngày đêm, sẵn sàng đi tới điểm nóng để hỗ trợ hết mình cho nhiệm vụ cao cả. Những câu chuyện này nói lên rất nhiều về sức mạnh của người Việt Nam.
Trong đại dịch, Việt Nam luôn là một đối tác quốc tế có trách nhiệm. Các bạn đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, cung cấp dịch vụ, thiết bị y tế, và hỗ trợ điều trị cho các nước khác cũng như đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX.
Câu chuyện xảy ra tháng 6 năm nay minh chứng cho tinh thần quốc tế cao đẹp của Việt Nam. Theo đề nghị của Liên Hợp quốc (LHQ), lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân Covid-19 là cán bộ của LHQ, theo chương trình MEDEVAC. Câu chuyện này không chỉ đánh dấu mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và LHQ mà còn chạm đến trái tim của các nhân viên LHQ trong khu vực và cả những người nước ngoài và các nhà ngoại giao ở Việt Nam như tôi.
Đó là biểu tượng của sự thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam, điều có ý nghĩa vô vùng quan trọng trong những thời điểm này"