Đại sứ Vũ Quang Minh đề xuất ý tưởng giải cứu sông Tô Lịch: Sông là phải chảy!

Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề giải cứu sông Tô Lịch đã được bàn thảo từ lâu, nhằm cứu vãn và gìn giữ biểu tượng một thời của Hà Nội. Gần đây, nhiều giải pháp được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra. Với tư cách là một công dân Thủ đô, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh mới đây đã góp thêm ý tưởng vào nỗ lực giải cứu “dòng sông đen”.

 Xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Ảnh: Thành An
Theo chia sẻ của vị đại sứ trên trang Facebook cá nhân, cần đảm bảo nguyên tắc “Sông là phải chảy”. Sông Tô Lịch cần có một giải pháp căn cơ, toàn diện, tận gốc, và một cơ chế quản lý có thể tự cung cấp tài chính cho quá trình này.

Đại sứ nhận định, Tô Lịch hiện nay là một cái cống lộ thiên tù đọng, không hơn không kém. Để trở thành một dòng sông trong xanh thơ mộng, như lứa học sinh cấp ba của Đại sứ những năm 70 được tuyên truyền thì cần để con sông có thể chảy.
Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết, một người bạn thân thiết của đại sứ, ông Đặng Xuân Toàn - Tiến sỹ Hóa học du học tại Rumani và Đại học Hoá Matxcơva, là tác giả của một đề xuất mà theo Đại sứ có thể giải quyết triệt để và dài hạn vấn đề ô nhiễm Tô Lịch. Cốt lõi của giải pháp, gồm 3 cấu phần, là tạo ra dòng chảy liên tục cho sông Tô Lịch.
Trước hết, ông Đặng Xuân Toàn kiến nghị đặt các trạm bơm ở hai đầu Tô Lịch kết nối với sông Hồng, Hồ Tây và cao hơn là cắt sông Hồng một lần nữa ở khoảng cầu Nhật Tân bây giờ. Nước sông Hồng sẽ được bơm liên tục vào và với sức hút đẩy mạnh của các máy bơm công suất lớn. Khi đó dòng sông sẽ chảy như những dòng kênh đào trong Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) xinh đẹp.
Bên cạnh việc giúp sông Tô Lịch chảy, một biện pháp bắt buộc phải làm là kiên quyết cấm việc xả nước thải sinh hoạt hoặc sản xuất trực tiếp khi chưa qua xử lý ra sông Tô Lịch. Theo Đại sứ, việc cấm cần có lộ trình và cơ chế giám sát, chế tài nghiêm.
Quy định này cũng cần được áp dụng tương tự cho tất cả các bãi biển từ Đà Nẵng, Nha Trang, Sầm Sơn cho tới Phú Quốc. Hãy kiên quyết không cho phép các khu khách sạn, resort, nhà hàng... chiếm sát mặt biển, chiếm mặt nước biển, bãi biển - tài sản công cộng, thành tài sản tư nhân, và ngang nhiên hay bí mật thải trực tiếp ra sông, ra biển.

Nếu như hai cấu phần trên đã được đề cập đến nhiều, cấu phần thứ ba của giải pháp toàn diện cho sông Tô Lịch là phải có một Ban quản lý phát triển sông Tô Lịch độc lập, như một công ty phi lợi nhuận, tương tự Apsara Authority của Campuchia đang quản lý Angkor.
Đại sứ Vũ Quang Minh tạm gọi là Công ty Tô Lịch xanh. Công ty này là phi lợi nhuận, có quỹ Tô Lịch. Trách nhiệm của nó là quản lý việc khai thác bền vững con sông này cả dòng sông (tuyến du lịch, hay tuyến waterbus, water taxi - giao thông trên sông...), và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ven sông.
"Chẳng hạn, các hàng ăn ven phố Nguyễn Khang, dọc sông Tô Lịch sẽ được hưởng từ dự án này sau khi được thực hiện như có không khí và mùi hương trong lành hơn, cảnh quan thơ mộng, đông khách, lợi nhuận tăng vọt... sẽ phải nộp thuế cảnh quan lợi nhuận, khoảng 10-15% lợi nhuận. Những giao dịch bất động sản, các công trình dọc dòng sông được hưởng lợi... cũng sẽ chịu thêm một khoản phí về môi trường và cảnh quan cụ thể và riêng biệt cho Tô Lịch", Đại sứ đề xuất.
Những nguồn thu này sẽ được sử dụng để duy trì việc bơm nước, làm cho dòng sông chảy, cho việc phát triển các công nghệ làm sạch nước, cho việc quản lý dòng sông một cách bền vững.