Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dầm mưa rét đi khám bệnh

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết giá lạnh kèm mưa phùn ngày hôm qua (12/12) ở Hà Nội khiến lượng người ra vào tại một số bệnh viện (BV) thưa thớt hơn, giảm mạnh so với những ngày bình thường.

Bên trong các buồng bệnh, bệnh nhân được tăng cường các phương tiện chống rét, song những người thân đi cùng ở bên ngoài không ít người phải chịu cảnh co ro trong giá rét.
Tiền khám ít, tiền taxi nhiều

Bãi gửi xe máy trước khu vực Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, sáng 12/12 thưa thớt hơn hẳn so với ngày thường. Thời tiết rét buốt kèm mưa phùn nên nhiều người dân khi đi khám đã lựa chọn đi bằng taxi. Theo lịch hẹn đến Viện vào sáng 12/12 để nội soi đại tràng, chị Nguyễn Minh T. (huyện Thường Tín) chia sẻ: “Rét quá nên sáng sớm hai vợ chồng phải gọi taxi đi lên mất hơn 300.000 đồng”. Hành lý của bệnh nhân đi Viện những ngày rét mướt cũng cồng kềnh hơn khi phải mang theo chăn len, áo ấm. Ngồi co ro, vạ vật ở hành lang BV, nhiều người nhà bệnh nhân không đủ ấm, phải quấn chăn quanh người. Bác Lê Văn Hiển (54 tuổi, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) bày tỏ: “Đúng ngày rét mướt bố đẻ lại đi viện, có bệnh đã khổ, giờ mưa gió rét như này người nhà cũng khổ thêm. Đêm qua rét quá, tôi phải gọi con trai mang thêm áo rét, chăn len lên viện trợ”.
 Người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi T.Ư sáng 12/12. Ảnh: Hà Ngân
Tại BV Nhi T.Ư, bệnh nhi được bố mẹ đưa đến khám cũng được ủ kín trong chăn ấm. Có con trai 9 tháng tuổi bị ho sốt, đi ngoài, chị Hoàng Minh Thùy (28 tuổi, huyện Ba Vì) chần chừ không muốn đưa con xuống Viện khám khi trời rét. Vậy nhưng, sáng 12/12, cháu bé có biểu hiện dị ứng, nổi mẩn khắp người, anh chị đành phải gọi taxi đưa con đi khám. “Tiền khám 300.000 đồng nhưng tiền taxi một lượt đi xuống BV đã hơn 700.000 đồng, chưa kể tiền xét nghiệm, chụp chiếu. Cũng may là trời rét, ít người đi khám nên làm thủ tục gì cũng nhanh hơn”. Giữa thời tiết giá lạnh, khu vực sân chơi của Khoa Tâm bệnh trở thành nơi nghỉ ngơi lý tưởng của người nhà bệnh nhi nằm điều trị nội trú. Nhiều người trải chiếu, túm tụm thành nhóm đắp chung chăn để chia sẻ hơi ấm. Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, mỗi chiếc giường nhỏ vận chuyển bệnh nhân cấp cứu cũng đã được trang bị thêm chăn dày.

Bệnh viện rốt ráo chống rét

Trước tiết trời khắc nghiệt, các BV đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho bệnh nhân. Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, các buồng bệnh ở BV đều đã được trang bị đầy đủ chăn, đệm cho bệnh nhân. Đối với các khoa đặc thù như Khoa Nhi, Khoa Sản có nhiều trẻ nhỏ, sản phụ, Khoa Nội tim mạch - Lão học có nhiều bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh tim mạch đã được trang bị máy điều hòa 2 chiều và máy sưởi nhằm làm ấm và giúp người bệnh đỡ lạnh, đảm bảo nhiệt độ cơ thể. Một số khoa, phòng khác như Khoa Khám bệnh cũng tăng cường các máy sưởi giúp bệnh nhân đỡ lạnh trong quá trình khám bệnh.

Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách Khoa Cấp cứu cho biết, trong những ngày rét đậm, rét hại, khoa đã bố trí thêm trang thiết bị làm ấm cho bệnh nhân như quạt sưởi, đèn sưởi, chăn ấm. Các cửa kính nứt, vỡ trước đó đã được thay thế để tránh gió lùa. Trong đợt rét này, số bệnh nhân liên quan đến huyết áp, tim mạch tăng do nhiều người chủ quan. Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, BV Bạch Mai Dương Quốc Hùng khuyến cáo, người nhà bệnh nhân cần mặc ấm để tránh bị lạnh. Khi ngồi chờ người nhà khám bệnh thì nên chọn những nơi kín gió. Khi di chuyển giữa các khu khám bệnh hay ra ngoài tòa nhà phải hết sức tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Sự thay đổi nhiệt đột ngột là nguyên nhân gây nhiều bệnh, trong đó có tai biến, đột quỵ.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, trong những đợt giá rét, ngành y tế sẽ tăng cường kiểm tra công tác phòng chống rét cho bệnh nhân. Ngoài việc sẵn sàng đủ cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu, bảo đảm thiết bị giữ ấm cho người bệnh nội trú, các BV nên thiết lập các khu vực chờ kín gió cho người nhà bệnh nhân cũng như người bệnh đến khám ngoại trú.